Làm gì khi không có lũ
Năm nay, mực nước lũ thấp nhất trong 40 năm qua làm cho nguồn lợi thủy sản sụt giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống của hàng ngàn hộ dân ở vùng đầu nguồn sông Cửu Long.
Lũ thấp lịch sử
Theo thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh An Giang, mực nước đo được mới đây trên sông Tiền tại Tân Châu chỉ 2,55 m, thấp nhất trong vòng 40 năm qua. Lũ thấp kéo theo nguồn lợi thủy sản giảm sút nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hàng ngàn hộ dân ở đầu nguồn sông Cửu Long.
Tại chợ ma Tha La và đập Tha La (H.Tịnh Biên, An Giang), 2 nơi thể hiện rõ nhất bức tranh nhộn nhịp của cư dân vùng lũ, bây giờ cảnh sinh hoạt rất đìu hiu. Bà Trần Thị Sang (ngụ xã Vĩnh Tế, TP.Châu Đốc, An Giang) cho biết năm nay lũ nhỏ quá, ít cá tôm nên vợ chồng bà bỏ giăng câu gần đập Tha La đi hái bông súng. Mỗi ngày kiếm được vài chục ngàn đồng sống đắp đổi.
“Mấy năm trước, vào tháng này ven đập Tha La ngày và đêm nhộn nhịp vì dân tứ xứ kéo đến đánh bắt cá huyên náo cả vùng. Nhưng giờ thì quạnh hiu vì mực nước quá thấp”, bà Sang nói. Còn ông Trần Văn Nhứt (64 tuổi, ngụ xã Vĩnh Thạnh Trung, H.Châu Phú, An Giang) đang thả lưới trên kinh Tha La nói mấy mùa lũ trước, một ngày ông đánh cá kiếm được cả trăm ngàn đồng. Còn bây giờ kéo cả buổi có khi không dính con cá nào.
Khi lũ không về
Ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh An Giang, cho biết để đối phó với tình trạng lũ thấp như năm nay, Sở đã triển khai thí điểm mô hình trồng lúa hữu cơ kết hợp nuôi tôm càng xanh ở huyện đầu nguồn An Phú, bước đầu đã có triển vọng.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Thế giới cũng tài trợ tỉnh xây dựng dự án tăng cường khả năng thích ứng và quản lý cho vùng thượng nguồn sông Cửu Long. Đây được xem là giải pháp sống chung với lũ, đặc biệt là lũ thấp, với tổng diện tích 19.680 ha tại H.An Phú.
Mục tiêu của dự án là tăng cường khả năng thích ứng với điều kiện tự nhiên, nguồn nước và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng thượng nguồn sông Cửu Long. Qua đó chủ động điều tiết nguồn nước ngọt và kiểm soát lũ để nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm ổn định sinh kế; bảo tồn, tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản bền vững; quản lý và bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học.
Ngoài ra, mục tiêu dài hạn của dự án là đưa những vùng đê bao triệt để sản xuất lúa 3 vụ khu vực bờ tây sông Hậu và bờ đông sông Hậu sang mô hình sản xuất có hiệu quả cao nhưng vẫn đảm bảo trữ và thoát lũ chính vụ, trả lại hành lang lũ cho dòng sông và là kinh nghiệm cho những vùng ngập lũ khác.
Các mô hình cụ thể như trồng lúa cao sản vụ đông xuân kết hợp trồng cỏ hè thu và đất trồng xả lũ tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên; trồng lúa cao sản kết hợp một vụ màu; trồng lúa mùa nổi kết hợp với màu và nguồn lợi thủy sản tự nhiên hay nuôi tôm càng xanh; trồng lúa cao sản kết hợp nuôi tôm càng xanh…
Theo ông Thư, các giải pháp trên ứng dụng cả không có lũ và lũ dữ. Như vậy khi vào lũ hoặc không có lũ, những người sống dựa vào lũ có thể chuyển đổi nghề theo thời vụ vì các mô hình trên cần nguồn lực lao động rất lớn.
Cảnh báo xâm nhập mặn vùng đầu nguồn sông Mê Kông
Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn tỉnh An Giang, lượng mưa trên địa bàn từ tháng 11.2015 đến tháng 4.2016 có khả năng thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 20 - 40%. Bên cạnh đó, lượng nước từ thượng nguồn sông Mê Kông về ít nên mặn sẽ xâm nhập sớm và sâu trên hệ thống kênh rạch vùng Tứ giác Long Xuyên. Độ mặn cao nhất năm khả năng xuất hiện trong tháng 3.2016, ở mức xấp xỉ hoặc cao hơn độ mặn cao nhất mùa khô năm 2005, cao hơn trung bình nhiều năm và cao hơn độ mặn năm 2015. Do vậy, ngành nông nghiệp cần sớm có các biện pháp phòng chống khô hạn, xâm nhập mặn và thiếu hụt nguồn nước cho cây trồng và vật nuôi trong mùa khô 2015 - 2016.
Theo thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh An Giang, sản lượng khai thác thủy sản trên địa bàn ngày càng giảm. Cụ thể năm 2001, sản lượng khai thác thủy sản đạt 96.570 tấn, năm 2005 là 51.329 tấn, năm 2010 trên 37.209 tấn... nhưng các năm 2012, 2013, 2014 chỉ đạt khoảng 32.800 tấn.