TIN THỦY SẢN

Làm sao để biết tôm thiếu hoặc đủ mồi?

Khả năng lột vỏ của tôm trong giai đoạn đầu cũng bị hạn chế khi thiếu thức ăn. Ảnh: Tép Bạc Nhất Linh

Quản lý, kiểm soát lượng thức ăn cho tôm là yếu tố quan trọng không kém trong việc góp phần nâng cao năng suất của vụ nuôi. Bên cạnh đó, chất lượng và lượng thức ăn tôm tiêu thụ hàng ngày cũng là một trong những dấu hiệu giúp người nuôi nhận biết và có phương pháp xử lí thích hợp khi phát hiện bất thường.

Dấu hiệu nhận biết 

Sự phát triển hàng ngày của tôm phần lớn phụ thuộc vào lượng thức ăn mà chúng được cung cấp. Tốc độ tăng trưởng đồng đều và nhanh chóng sẽ tạo ra giá trị kinh tế cao cho người nuôi. Hiện tượng tôm thiếu mồi tuy không gây nguy hiểm nhưng cũng là yếu tố tạo điều kiện cho các mối nguy tiềm ẩn gây tổn hại đến tôm nuôi. 

Người nuôi có thể nhận biết việc tôm mình nuôi thiếu thức ăn qua các dấu hiệu sau: 

- Nhìn vào tốc độ sinh trưởng của cả đàn: Dựa vào thời gian nuôi để ước chừng kích thước tôm (ví dụ tôm nuôi được 40 ngày thường đạt trọng lượng 10 - 15g/con), nếu nhìn thấy kích cỡ tôm nhỏ hơn tức là tôm đang bị thiếu thức ăn làm ảnh hưởng đến sự phát triển kích cỡ, con nhỏ sẽ phát triển chậm hơn (trường hợp đã xét nghiệm và loại trừ khả năng tôm nhiễm EHP). 

- Hiện tượng phân đàn: Hiện tượng phân đàn mạnh cũng là một dấu hiệu cho thấy lượng thức ăn cho tôm không đủ, các con trong đàn có thể tấn công nhau để tranh giành mồi. 

- Chài tôm: Một trong những cách tốt để theo dõi tình trạng thức ăn là chài tôm. Thời điểm thích hợp để chài tôm là sau khi cho ăn trong khoảng 30 phút. Bằng cách kiểm tra ruột tôm, người nuôi có thể xác định thức ăn còn dư thừa, thiếu hoặc điều chỉnh cần thiết. 

- Quan sát đường ruột tôm: Nếu ruột tôm có màu giống thức ăn, điều này cho thấy có sự dư thừa thức ăn. Màu thức ăn cùng với màu bùn đen trong ruột tôm cho thấy nhu cầu dinh dưỡng đã được đáp ứng. Trong trường hợp toàn bộ ruột có màu đen, đó là dấu hiệu tôm đang thiếu thức ăn. 

Tôm bị thiếu thức ăn sẽ ra sao? 

Tôm đói trong một thời gian dài mới xuất hiện các dấu hiệu trên và thường cho ăn ít hơn 10% nhu cầu dinh dưỡng cũng không tạo ra nhiều ảnh hưởng, tuy nhiên để tôm thiếu thức ăn quá lâu sẽ gây ra một số vấn đề gây cản trở vụ nuôi của bà con bởi tôm thiếu mồi sẽ có sự sụt giảm về kích cỡ thịt, làm giảm sản lượng thu hoạch. 

Thiếu mồi trong thời gian dài khiến tôm chậm lớn, sức khỏe kém và dễ mắc bệnh. Ảnh: Tép Bạc

Thiếu thức ăn đồng thời sẽ thiếu hụt một số chế phẩm khoáng, vitamin hay men vi sinh trộn trong thức ăn vô tình làm tôm không được hấp thu dinh dưỡng toàn diện. Sức khỏe tôm nuôi kém dễ mẫn cảm với các loại bệnh lý. Bên cạnh đó, khi tôm đói trong thời gian dài, ruột tôm không giãn nở, ruột bé, ăn yếu, không đáp ứng size thức ăn lớn hơn. 

Tuy thiếu hụt dinh dưỡng không gây chết tôm nhưng lại là nguyên nhân tác động mạnh đến sức đề kháng của tôm. Điều này khiến tôm dễ nhiễm các bệnh như cong thân đục cơ, bệnh mềm vỏ, lột xác khó, rớt cục thịt. 

Quản lý việc cho ăn hiệu quả 

Việc để tôm thiếu thức ăn trong thời gian dài sẽ gây ra nhiều hệ lụy không mong muốn. Để cải thiện chất lượng tôm nuôi, việc điều chỉnh thức ăn cho tôm sao cho phù hợp là cần thiết. Dưới đây là một số điểm quan trọng người nuôi cần nắm về quản lý thức ăn cho tôm: 

- Lượng ôxy hòa tan (DO): dưới 4mg/l là lúc tôm giảm quá trình ăn và khi DO xuống dưới 2mg/l, tôm sẽ ngừng ăn hoàn toàn. 

- Nhiệt độ nước từ 28 - 30°C là lý tưởng để tôm tiêu thụ thức ăn và phát triển mạnh mẽ nhất. Mỗi 2°C giảm nhiệt độ sẽ dẫn đến việc giảm 10% thức ăn so với mức bình thường. 

- Trong giai đoạn tôm lột xác, việc giảm lượng thức ăn và tăng lại sau lúc lột xác là cần thiết. Tốc độ ăn không đều có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề bệnh lý. 

- Theo dõi tình trạng sàng ăn nhằm đảm bảo rằng thức ăn vẫn còn đủ. 

- Xác định số lần cho ăn phù hợp dựa trên hình thức nuôi và khả năng ăn của tôm. Tôm ăn chậm nhưng liên tục, do đó khi cho tôm ăn người nuôi có thể chia thành 3 bữa/ngày. 

Nhất Linh