Làm thế nào để hiệu quả việc tăng kiềm trong ao tôm?
Độ kiềm là thông số rất quan trọng, góp phần vào một trong những yếu tố quyết định thành công của vụ nuôi, bởi độ kiềm có liên quan trực tiếp đến độ ổn định của pH nước và hoạt động lột xác của tôm. Việc hiểu và kiểm soát hiệu quả, đúng lúc tính kiềm trong ao sẽ giúp hoạt động nuôi tôm của bà con trở nên dễ dàng hơn.
Độ kiềm là gì?
Độ kiềm thể hiện khả năng trung hòa acid của nước, nhờ đó giữ cho độ pH của nước được ổn định. Trong nước có nhiều chất có tính kiềm như muối Carbonate (CO32-), Bicarbonate (HCO3-), Silicate, Phosphate, Ammonia,…..Các bazơ chính trong ao nuôi thủy sản bao gồm CO32-, HCO3- và OH-.
Độ kiềm mà chúng ta đo đạc được khi sử dụng kít đo hoặc phương pháp phân tích hóa học gọi là độ kiềm tổng số, được biểu diễn bằng hàm lượng CaCO3 (mg/L). Độ kiềm ban đầu cao hay thấp phụ thuộc vào chất đất, nguồn nước và khả năng bổ sung CO32-, HCO3- và OH- dưới dạng vôi của người nuôi.
Độ kiềm của nước, về nguyên tắc do muối của các acid yếu và các loại bazơ mạnh gây ra và các chất này là dung dịch đệm để giữ pH không giảm nhiều khi đưa acid vào nước. Vì vậy, độ kiềm còn là số đo khả năng đệm của nước và được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực xử lý nước cấp cũng như nước thải.
Trong hoạt động nuôi tôm, độ kiềm phụ thuộc vào mức độ phát triển của tảo và các sinh vật khác có trong ao như ốc đinh, nhuyễn thể vỏ hai mảnh, hoạt động lột xác của tôm, mức độ thay nước và hoạt động bổ sung vôi của người nuôi.
Vì sao phải tăng tính kiềm?
Mặc dù không gây nhiều tác động trực tiếp đến tôm nuôi nhưng khi độ kiềm biến đổi sẽ tác động đến các yếu tố môi trường nước khác như độ pH, mật độ tảo, các loại khí độc,… và gián tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe và tốc độ sinh trưởng của tôm.
Khi độ kiềm thấp, pH sẽ biến động và gây stress, giảm tăng trưởng và thậm chí gây chết tôm. Ngoài ra, khi độ kiềm trong ao thấp sẽ làm nước trong, gây khó khăn cho quá trình sử dụng vi sinh để gây màu ao nuôi.
Trong nuôi tôm độ kiềm thích hợp cho tôm thẻ chân trắng (TTCT) nằm trong khoảng 120 – 180 mg/lít và tôm sú là 80 – 120 mg/lít. Độ kiềm ít tác động trực tiếp đến tôm nuôi nhưng nó lại tác động đến các yếu tố môi trường khác nhau pH, mật độ tảo, mức độ độc hại của khí độc và kim loại nặng trong nước, đặc biệt là quá trình lột xác của tôm nuôi. Độ kiềm trong ao thấp có thể là do các nguyên nhân sau:
- Do nguồn nước có độ kiềm thấp, vùng nuôi có độ mặn thấp.
- Do ốc, vẹm, hến, nhuyễn thể 2 mảnh chúng ăn tảo và hấp thụ muối carbonat làm nước trong và độ kiềm trong nước giảm xuống thấp.
- Do đáy ao bị nhiễm phèn, cần phải tuân thủ các yêu cầu khi cải tạo ao phèn để hạn chế axit hòa tan từ đáy ao vào nước làm giảm pH và kiềm.
- Ao bị đóng rong, rong đáy và rong nổi nhiều. Đối với trường hợp này cần phải xử lý rong thì mới nâng kiềm trong ao nuôi tôm.
Phương pháp tăng kiềm hiệu quả
Nâng độ kiềm: Cách tăng kiềm trong ao nuôi TTCT tốt nhất là sử dụng vôi bột. Thường các ao tôm khi có nền đáy thấp (do thổ nhưỡng), nguồn nước kiềm thấp (như nước sông hay giếng nước ngọt) thì nước ao nuôi tôm cũng sẽ có độ kiềm thấp.
Nếu ao nuôi bị đóng rong và nhiều tảo, dùng chế phẩm vi sinh cắt tảo, giảm nồng độ khí độc NH3/NO2, ổn định màu nước.
Liều lượng bón vôi tăng kiềm được dựa vào tổng độ kiềm (total alkalinity) hoặc tổng độ cứng (total hardness). Tổng độ kiềm thích hợp là lớn hơn 40 mg CaCO3/L cho ao nuôi thủy sản nước ngọt và lớn hơn 80 mg CaCO3/L cho ao nuôi thủy sản nước mặn, lợ. Giả định rằng, ao nuôi nước ngọt có diện tích 1000 m2, sâu 1m và có độ kiềm là 10mg/L, để tăng độ kiềm lên 40 mg/L thì cần bón 30 mg CaCO3/L hay 30g CaCO3/m3, tổng lượng vôi cần bón cho ao là 30 kg CaCO3
Người nuôi cũng có thể thay nước từ 5 – 10%/ngày bằng nước có độ kiềm từ trung bình đến cao để tăng độ kiềm cho ao nuôi.
Ưu điểm khi đánh vôi tăng kiềm đó là giá rẻ, dễ mua, tuy nhiên cần chia liều lượng và đánh nhiều ngày để nâng kiềm từ từ cho ao, đo độ kiềm đến khi đạt mức yêu cầu. Có thể bón bổ sung theo lượng trên nếu độ kiềm vẫn chưa đạt.
Bên cạnh đó, khi trời mưa, pH trong ao nuôi giảm do nước mưa có tính axit (chứa nhiều CO2 hòa tan từ không khí). Nhưng khi nước có độ kiềm cao thì pH của nước ít bị thay đổi. Do đó trước khi mưa phải tạt vôi.
Để việc tăng kiềm được hiệu quả, bà con cần diệt ốc đinh, chem chép, hến và các nhuyễn thể 2 mãnh khác trong ao nuôi tôm bởi khi phát triển nhiều, chúng ăn tảo và tiêu thụ 1 lượng lớn Carbonate (CO32-) từ đó sẽ làm giảm độ kiềm của nước ao.
Đối với tình huống trong ao nuôi tôm có xuất hiện vẹm, nhuyễn thể 2 mảnh, ốc thì nên dùng chế phẩm vi sinh hay diệt giáp xác để loại bỏ chúng an toàn. Bên cạnh đó, người nuôi nên dùng thêm những loại chế phẩm vi sinh để tạo ra những vi sinh vật có lợi trong ao nuôi TTCT. Bổ sung thường xuyên ion khoáng vi lượng trong khẩu phần ăn để kích thích quá trình lột vỏ của tôm đồng loạt. Hỗ trợ tạo vỏ nhanh, vi sinh cũng giúp tạo màu tảo để tăng độ kiềm của ao tôm.