TIN THỦY SẢN

Làn sóng rót vốn vào nông nghiệp: Có một giấc mơ... tôm

Mô hình nuôi tôm trong nhà kính của Việt Úc cho siêu năng suất Trung Dũng - ĐS

Khi nói đến con tôm công nghiệp, người ta nghĩ ngay đến Bạc Liêu, bởi vùng đất này đã trở thành điểm sáng và tiên phong cho nhiều mô hình nuôi tôm siêu thâm canh với công nghệ tiên tiến, hiện đại bậc nhất Việt Nam.

Và trong thành công của Bạc Liêu có công lớn của Tập đoàn Việt Úc.

Từ thủ phủ tôm sú Bạc Liêu

Năm 2015, trong khi ngành nuôi trồng thủy sản cả nước đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thì Bạc Liêu lại trở thành tỉnh điển hình và đột phá về các mô hình nuôi tôm. Đó là mô hình nuôi tôm sạch siêu thâm canh trong nhà kính của Tập đoàn Việt - Úc.

Đây là dự án đầu tiên được triển khai tại huyện Hòa Bình với diện tích 50ha, nhưng hiệu quả mang lại vượt ngoài dự đoán. Với năng suất đạt 40 - 80 tấn/ha/vụ, tương đương 120 - 240 tấn/ha/năm, mô hình nuôi tôm này đã phá vỡ cách nuôi truyền thống và sản lượng tăng từ 10 - 15 lần, một con số dù chỉ mơ cũng không nhiều người dám nghĩ đến.

Ưu điểm của mô hình nuôi này là kiểm soát tốt dịch bệnh trên tôm và thực tiễn đã chứng minh từ khi triển khai mô hình nuôi cho đến nay chưa phát hiện dịch bệnh. Đặc biệt, sản phẩm tôm nuôi tạo ra cho chất lượng tốt, thân tôm sáng đẹp, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vì không sử dụng hóa chất.

Có được kết quả trên, Tập đoàn Việt - Úc đã không ngừng đầu tư và thu hút được chất xám của nhiều chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước về nuôi tôm. Đó là xây dựng khu nuôi siêu thâm canh và ứng dụng những công nghệ cao như công nghệ nhà màng Israel, công nghệ lọc nước tuần hoàn theo chu kỳ của Đức và Hoa Kỳ, công nghệ vi sinh…

Nổi lên như một tập đoàn hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực SX giống tôm thẻ chân trắng, hiện Tập đoàn Việt - Úc đang đầu tư xây dựng khu sản xuất phức hợp trên diện tích hơn 310ha tại xã Hiệp Thành (TP Bạc Liêu), với tổng vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng.

Mô hình của Việt Úc triển khai tại Bạc Liêu khép kín từ khâu sản xuất con giống, nhà máy chế biến thức ăn, quản lý nuôi và chế biến tôm xuất khẩu. Với 2 - 3 vụ/năm, sản lượng dự kiến đạt khoảng 260.000 tấn tôm mỗi năm đã biến Bạc Liêu trở thành tỉnh nuôi tôm sạch lớn nhất Việt Nam.

“Một trong những vấn đề mà ngành tôm Việt Nam đang gặp phải là làm thế nào nâng cao chất lượng và đảm bảo ổn định sản lượng. Hai yếu tố quan trọng này sẽ là đòn bẩy để xây dựng một thương hiệu đủ mạnh cho con tôm Việt Nam cạnh tranh trên thương trường quốc tế. Và mô hình nuôi tôm sạch siêu thâm canh trong nhà kính của Tập đoàn Việt - Úc đã đáp ứng được yêu cầu này.

Với khát vọng nâng tầm tôm Việt, Tập đoàn Việt - Úc đang tự tin xây dựng thương hiệu lớn mạnh và uy tín, có thể cạnh tranh với các cường quốc xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới”, ông Tony Đặng Quốc Tuấn - Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Việt - Úc cho biết.

Đến khát vọng nuôi tôm trên cát

Nối tiếp thành công tại Bạc Liêu, ngày 9/10/2015, tại thôn Hòa Hội Nam, xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, Tập đoàn Việt Úc đã tổ chức Lễ khởi công chương trình nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính. Nếu ở Bạc Liêu nuôi tôm trên đồng ruộng thì tại Bình Định là mô hình nuôi trên cát.

Phát biểu khai mạc buổi lễ, ông Tony Đặng Quốc Tuấn khẳng định sự kiện Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) chính thức được ký kết ngày 5/10/2015 đang tạo ra những thuận lợi lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam và đây cũng chính là cơ hội mà ngành tôm Việt Nam cần tận dụng để đưa sản phẩm vào những thị trường cao cấp đang rộng mở.

Vì vậy, Tập đoàn Việt Úc đã mạnh dạn triển khai khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao trên diện tích 300 ha tại Bình Định. Dự án bao gồm khu sản xuất giống, khu chăn nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính và nhà máy chế biến tôm xuất khẩu với tổng vốn đầu tư trên 600 tỉ đồng.

Giai đoạn đầu, Việt Úc sẽ xây dựng và đưa vào sử dụng hơn 100 ha mặt nước nuôi tôm, mỗi năm thực hiện 3 vụ với giá tôm giữ nguyên không đổi ở mức 150.000 đồng/kg từ 40 - 45 con, năng suất từ 100 - 300 tấn/ha/năm.

Trong giai đoạn tiếp theo, tập đoàn dự kiến sẽ mở rộng quy mô sản xuất và xây dựng nhà máy chế biến tôm xuất khẩu với quy trình sản xuất chế biến khép kín. Dự án dự kiến sẽ sử dụng hơn 2.000 lao động với 80 - 85% là người dân tại địa phương.

Với vị thế là đơn vị sản xuất tôm giống lớn nhất nước với hơn 15 tỷ con giống, chiếm 22% thị phần tôm giống cả nước trong năm 2014 và với khát vọng “Nâng tầm Tôm Việt” để đưa ngành tôm Việt Nam lên tầm cao thế giới, Việt Úc đã và đang có những bước đầu tư vững chắc, đầu tư mạnh mẽ vào khoa học- công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng và tạo dựng thương hiệu trên thị trường thế giới. Và Bình Định chính là mảnh đất tiếp theo Bạc Liêu để Việt Úc hiện thực hóa "giấc mơ tôm" của mình.

Những Việt kiều mê nông nghiệp

Việt Nam là quốc gia có lợi thế nuôi trồng thủy sản. Cá tra, cá ba sa "Made in Vietnam" đã đi khắp thế giới. Còn con tôm thì sao? Năm 2007, khi nhập Bộ Thủy sản (cũ) vào Bộ NN- PTNT, con tôm thẻ chân trắng chưa được thừa nhận, thậm chí nhiều chuyên gia coi nó như tội đồ. Lý do tôm thẻ lây truyền bệnh taura mà nhiều nước nuôi tôm rất lo sợ.

Trong khi đó tôm sú vốn là con tôm nuôi truyền thống ở ĐBSCL có giá bán rất cao, muốn mở rộng SX cũng không hề dễ dàng. Và sau nhiều cuộc họp căng thẳng, Bộ NN- PTNT đã quyết định cho nuôi thương mại rộng rãi tôm thẻ. Nhưng giống ở đâu? Lâu nay, nguồn giống tôm thẻ của Việt Nam hoàn toàn nhập từ nước ngoài.

Ông Lương Thanh Văn và những người bạn của mình là những Việt kiều Úc, Singapore, Mỹ đã đồng tâm hiệp lực đầu tư về quê nhà. Tập đoàn Việt Úc ra đời và nhanh chóng trở thành công ty SX giống tôm thẻ số 1 Việt Nam. Từ đây, người nuôi tôm thẻ chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn tôm giống của một vài DN nước ngoài NK về hoặc SX tại chỗ.

Trung Dũng - ĐS Nông Nghiệp Việt Nam