TIN THỦY SẢN

Làng cá bè hủy hoại nguồn nước sinh hoạt

Ảnh minh họa (Internet) Mạnh Thắng

Nhiều gia đình lấy bè làm nhà, mọi chất thải của hoạt động chăn nuôi, sinh hoạt của con người đều xả xuống sông khiến đoạn sông qua khu vực làng bè luôn vẩn đục, bốc mùi hôi đặc trưng của thức ăn nuôi cá

Nằm ngay trung tâm TP Biên Hòa (Đồng Nai) là làng cá bè nằm trên đoạn sông Cái (một nhánh sông Đồng Nai) thuộc phạm vi các phường Tân Mai, Thống Nhất, An Bình và Hiệp Hòa.

Nuôi cá bè là nguồn kinh tế chính của nhiều gia đình ở đây, nhưng làng cá bè cũng gây ô nhiễm nguồn nước của Đông Nam bộ nói chung và TPHCM nói riêng.

Hàng trăm bè cá dày san sát nhau trên sông, những lúc nước ròng, dòng sông chỉ còn một luồng lạch nhỏ. Nhiều gia đình lấy bè làm nhà, mọi chất thải của hoạt động chăn nuôi, sinh hoạt của con người đều xả xuống sông khiến đoạn sông qua khu vực làng bè luôn vẩn đục, bốc mùi hôi đặc trưng của thức ăn nuôi cá.

Dự án di dời, quy hoạch lại làng nuôi cá bè được triển khai từ năm 2006, nhằm cải tạo cảnh quan, môi trường sông Đồng Nai. Sau nhiều năm triển khai, UBND TP Biên Hòa đưa ra hạn chót di dời làng cá bè là vào cuối tháng 9/2013. Tuy nhiên, đến nay việc chủ trương này vẫn chưa thực hiện được.

Ông Nguyễn Kim Phước, Trưởng phòng Kinh tế TP Biên Hòa, cho biết đến thời điểm này mới có 5 hộ thuộc phường An Bình thực hiện đúng quy hoạch, kế hoạch di dời làng cá bè ô nhiễm này. Thành phố hỗ trợ kinh phí di dời 900 ngàn đồng/hộ. Khó khăn nhất hiện nay là nhiều hộ không đồng thuận tìm cách tránh né. Lãnh đạo xã Hiệp Hòa cho biết hầu hết các chủ bè đều từ địa phương khác đến neo đậu bè, chính quyền không quản lý được. 

Cứ vào dịp cuối năm lại xảy ra việc cá nuôi bè ở đây chết hàng loạt. Cuối tháng 12 vừa qua hàng chục tấn cá bè ở đây lại chết. Ngoài việc bán rẻ cá chết, nhiều hộ chăn nuôi dùng luôn cá chết làm thức ăn nuôi cá, tiếp tục gây ô nhiễm nguồn nước.

Nguyên nhân cá chết được người dân cho rằng do nguồn nước ô nhiễm từ nước thải khu công nghiệp. Tuy nhiên, phòng Kinh tế TP Biên Hòa và Chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho rằng chính điều kiện chăn nuôi của người dân không phù hợp, ngoài mật độ nuôi cá quá dày thì việc sử dụng các phế phẩm chăn nuôi để làm thức ăn cho cá là nguyên nhân gây ra ô nhiễm nguồn nước dẫn đến thiệt hại cho chính người chăn nuôi.

Mạnh Thắng Báo Tiền Phong, 16/01/2014