TIN THỦY SẢN

Làng 'tỉ phú' kêu cứu

Vịnh Hòa, Phú Dương (xã Xuân Thịnh, TX.Sông Cầu, Phú Yên) được mệnh danh là làng “tỉ phú” tôm hùm, nhưng nay tất thảy hộ dân ở đây đều trắng tay và đang khẩn thiết kêu cứu ngân hàng khoanh, giãn nợ hơn 70 tỉ đồng vốn vay, tiếp tục cho vay để “cứu” nghề nuôi tôm.

Làng “tỉ phú” – “làng nợ”!

Đang mùa tôm, nhưng hàng ngàn lồng bè nằm chổng chơ, ken dày trên bờ đầm Cù Mông, xã Xuân Thịnh. Tịnh không một bóng người. Ở nơi trại nhỏ ven bờ cát chân sóng, chị Lê Thị Phấn - thôn Phú Dương - đưa tay bốc mớ tôm chết, rưng rưng nước mắt: “Gần 2 tỉ đồng vốn đầu tư nuôi hơn 6.000 con tôm hùm coi như mất đứt. Tôi mót tôm chết bán được hơn 100 triệu đồng, trong khi nợ vốn vay hơn 150 triệu đồng”.

Không khác gì chị Phấn, anh Nguyễn Văn Cư dốc toàn bộ vốn thu lãi các năm trước, vốn vay (500 triệu đồng) để đầu tư 2,2 tỉ đồng thả nuôi trên 10.000 con tôm hùm. Không ngờ tôm chết sạch, chỉ vớt vát bán được gần 200 triệu đồng...

Đó chỉ là hai trong số hơn 1.400 hộ dân ở xã Xuân Thịnh (đấy là chưa kể khoảng 500 hộ từ các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Khánh Hòa... đến đầu tư nuôi tôm ở Phú Dương, Vịnh Hòa, xã Xuân Thịnh – PV) nuôi tôm hùm bị trắng tay trong mùa này.

Ông Lê Minh Hoan – Chủ tịch UBND xã Xuân Thịnh – chua xót nói: Chưa bao giờ đời sống của dân Xuân Thịnh lâm vào cảnh bi đát như hiện nay. Bởi có hơn 80% lượng tôm hùm (trong tổng số hơn 8.000 lồng nuôi) bị bệnh sữa, đen mang chết sạch, khiến người dân thiệt hại hơn 185 tỉ đồng.

Làng “tỉ phú” Phú Dương, Vịnh Hòa với nhiều nhà cao tầng chỉ là “vỏ bọc” bên ngoài chứ bà con đang nợ như chúa chổm. Hiện ngư dân đang nợ vốn vay Ngân hàng Chính sách và Ngân hàng NNPTNT trên 70 tỉ đồng, trong đó có hơn 10 tỉ đồng nợ quá hạn.

Khẩn thiết kêu cứu

Cũng theo ông Lê Minh Hoan – Chủ tịch UBND xã Xuân Thịnh, đời sống của dân bỗng chốc trắng tay, lâm nợ chồng chất, dẫn đến hộ nghèo đói đang có nguy cơ phát sinh mạnh. Ngoài việc đề nghị Nhà nước có giải pháp hỗ trợ vốn, đa số người dân ở xã Xuân Thịnh đang khẩn thiết kêu cứu ngành ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ vốn vay; đồng thời tiếp tục có chính sách ưu tiên cho bà con vay để đầu tư con giống thả nuôi trong vụ tới.

Bà Nguyễn Thị Nhiều ở Phú Dương, cho hay: “Giậm gai thì phải lấy gai để lở” – chỉ có tiếp tục nuôi tôm hùm theo mô hình an toàn, hiệu quả, thì mới mong “cứu” được nghề tôm, giải thoát khoản nợ lớn và ổn định cuộc sống. Khổ nỗi, người dân đang thiếu vốn trầm trọng.

Ngày 19/7, trả lời kiến nghị của cử tri tại kỳ họp lần thứ 4 HĐND TX.Sông Cầu (khóa X) về việc trên, ông Tô Thanh Hóa – Giám đốc chi nhánh Ngân hàng NNPTNT TX.Sông Cầu - cho biết: Theo quy định, ngân hàng nơi cho vay không thể tự khoanh nợ, giãn nợ vốn vay cho dân được mà do các ngành, các cấp dưới sự chủ trì của UBND tỉnh xem xét đề nghị và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

VTC