Lào Cai: Cá chết hàng loạt ở Trì Quang do nắng nóng
Một số hộ nuôi thủy sản tại xã Trì Quang, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai đã bị thiệt hại hàng trăm triệu đồng do tình trạng cá chết hàng loạt. Tính đến thời điểm này, toàn xã đã có khoảng trên 4 tấn cá bị chết.
Theo phản ánh của chính quyền và người dân địa phương, tình trạng cá chết hàng loạt diễn ra rải rác từ cuối tháng 7, nhưng đỉnh điểm bắt đầu từ khoảng ngày 10/8 đến nay, tập trung chủ yếu ở các ao, hồ được người dân chăn nuôi theo hình thức công nghiệp và bán công nghiệp, bao gồm cả trắm cỏ, chép và rô phi đơn tính. Về nguyên nhân của hiện tượng này, ông Vũ Văn Trọng, cán bộ phụ trách mảng nông, lâm nghiêp và xây dựng nông thôn mới xã Trì Quang cho biết: "Nguyên nhân cá chết rải rác ở một số hộ chăn nuôi hình thức công nghiệp là do thời tiết nắng nóng quá, dẫn đến tình trạng là ao hồ bị thiếu ô xi và có những hộ, khi chăn nuôi thì lại không có máy phát điện dự phòng, nên xảy ra tình trạng cá bị chết hàng loạt".
Là 01 trong những hộ dân bị thiệt hại kinh tế do cá chết hàng loạt trong những ngày qua, bà Phạm Thị Tám, hộ chăn nuôi thủy sản của xã Trì Quang cho biết: "Nhà tôi cá chết là do quên bật sục nên cá thiếu ô xi, cá chết phải đến 05 – 06 tạ, toàn cá trắm, cá chép sắp được thu hoạch, nên là cũng mất khoản tiền lớn. Nuôi cá mà sơ sểnh tý thôi là mất lãi như chơi, mất cả gốc luôn".
Được biết, trong vòng 03 – 04 năm trở lại đây, phong trào nuôi thủy sản của xã Trì Quang phát triển tương đối mạnh do nhiều hộ dân đã thực hiện việc chuyển đổi những chân ruộng xấu, cấy lúa không hiệu quả sang đào ao thả cá. Đến thời điểm hiện tại, toàn xã có mặt nước nuôi trồng thủy sản lên tới 45 ha. Chỉ tính riêng trong 06 tháng đầu năm 2019 này, nông dân xã Trì Quang đã bán ra thị trường 125 tấn cá, tăng gần 60 tấn so với cùng kỳ năm 2018. Xác định ngành nuôi thủy sản là thế mạnh kinh tế, mang thêm nguồn thu nhập để giảm nghèo bền vững cho người dân, chính quyền xã đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp chăn nuôi thủy sản an toàn và hiệu quả. Ông Vũ Văn Trọng cho biết thêm: "Hàng năm chúng tôi thường xuyên mở các lớp đào tạo chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con. Từ tháng 7 đến nay, chúng tôi phối hợp với Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề huyện và Trường Cao đẳng Lào Cai mở 02 lớp tập huấn về chăn nuôi thủy sản và chăn nuôi gia súc, gia cầm; 02 lớp đào tạo nghề cho khoảng 70 người, thời gian đào tạo 02 tháng hiện giờ đang học, mà đối tượng là dành cho những hộ nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi gia súc gia cầm trên địa bàn".
Tuy chính quyền địa phương đã có quy hoạch chăn nuôi thủy sản rõ ràng và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ chăn nuôi, song trước những biến đổi khí hậu cực đoan, thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài như những ngày qua, việc xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt tại hệ thống các ao hồ chăn nuôi thủy sản theo hình thức công nghiệp tại xã Trì Quang là điều khó tránh khỏi; được biết, tình trạng này cũng đã xảy ra ở 01 số địa phương khác trên địa bàn huyện Bảo Thắng và toàn tỉnh. Trước thực trạng trên, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai khuyến cáo: Để giảm nguy cơ ô nhiễm hữu cơ trong ao, khiến hiện tượng cá chết hàng loạt do thời tiết nắng nóng, các hộ chăn nuôi thủy sản cần cho cá ăn lượng vừa phải, thu dọn sạch thức ăn dư thừa; thường xuyên dùng chế phẩm vi sinh có thể ổn định tảo và giảm chất hữu cơ trong ao nuôi; chống xói lở bờ ao và chống nước mưa có thể kéo theo các chất thải hữu cơ vào trong ao; nguồn nước lấy vào ao phải qua lắng lọc. Để hạn chế cá bị sốc nhiệt, bà con cần thực hiện một số biện pháp chống nóng cho cá như: Duy trì mực nước trong ao dưới 1,5 m; trồng cây dây leo như bầu, bí trên bờ làm dàn xuống ao che nắng; thả bèo trên mặt ao và phải thường xuyên bật máy sục, duy trì đảm bảo lượng ô xi trong nước, nhất là đối với diện tích ao hồ chăn nuôi cá theo hình thức công nghiệp.
Bà con cũng đặc biệt lưu ý, thời điểm này thường xuất hiện những trận mưa rào đột ngột có thể làm thay đổi môi trường ao nuôi, kéo theo độ PH giảm thấp, do vậy, cần thường xuyên theo dõi bản tin dự báo thời tiết, có kế hoạch bón vôi quanh bờ ao để cân bằng lượng PH khi có mưa bão, hạn chế thấp nhất những thiệt hại kinh tế do tình trạng cá chết hàng loạt vì nắng nóng.