Lênh đênh lưới thúng mưu sinh
Chỉ quanh quẩn gần bờ, chiếc thuyền thúng và vài ba tay lưới là phương tiện mưu sinh của ngư dân làng biển. Trải qua hàng trăm năm, nghề lưới thúng ở Quảng Ngãi vẫn được duy trì cho đến hôm nay.
“Đi đêm” kiếm cá
Trời chưa sáng hẳn, trong cái buốt lạnh của thời tiết, vợ chồng ông Đỗ Văn Hồng (thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn) đã tất bật gỡ cá, tôm đang dính vào tấm lưới, kịp bán cho phiên chợ. Để có được chừng chục ký hải sản, ông Hồng phải giong thúng đi đánh bắt từ lúc đồng hồ vừa chuyển sang ngày mới.
Vừa làm ông Hồng vừa giải thích: “Nghề lưới thúng này nó là cái nghề thức khuya, dậy sớm. Có người cho thúng ra khơi từ buổi chiều, có người ra khơi vào lúc 1 - 2 giờ sáng. Đánh bắt trong đêm, sáng ra thúng nào không đánh bắt được cá cũng về bờ, đêm sau đi tiếp”.
Mùa này, ông Hồng chỉ cần điều khiển thúng ra cách bờ chừng 1 - 2 hải lý, có khi khoảng 500 - 1.000m là thả lưới, “dàn trận” theo chiều dài con sóng đã thu được cá, tôm. “Sóng càng đánh lớn khi ập vào bờ thì nơi đó càng có nhiều cá. Thường thì tui bỏ theo vài viên đá ven bờ ném xung quanh nơi đã thả lưới. Cá nghe tiếng động thì lại càng bám dày vào tấm lưới”, ông Hồng bật mí.
Nghề lưới thúng cũng lắm hiểm nguy, có khi trả giá bằng cả tính mạng. Mùa biển động, đầy sóng gió, nguy hiểm chực chờ nhưng cá tôm nhiều hơn. Do đó, vào mùa này, ông Hồng thường nương vào các gành đá, bãi rạn khuất gió để thả lưới. “Nghề biển phải mưu sinh vất vả mới có ăn. Mỗi lần ra biển, sống - chết ngang nhau, trời không thương thì lấy mạng hồi nào chẳng được”, ông Hồng cười nhẹ.
Thành quả sau một chuyến đi lưới thúng. Ảnh Đỗ Quyên
Không đánh bắt ngoài lộng, ngoài biển xa, nghề lưới thúng quanh quẩn gần bờ, sử dụng phương tiện khá thô sơ, chỉ gồm chiếc thuyền thúng và vài ba tay lưới. Mỗi đợt đi thúng về, ngoài cá hố, cá liệt, cá đối... còn có cả ghẹ, tôm. Không mang lại nguồn thu nhập cao, nhưng mỗi đêm đánh bắt chừng vài tiếng đồng hồ, thu về vài trăm nghìn, có khi triệu bạc cũng đủ để gia đình ông trang trải.
Mưu sinh gần bờ
Nghề lưới thúng còn có tên gọi khác là nghề lưới cước. Đây là nghề khá phổ biến ở các địa phương ven biển của Quảng Ngãi. Riêng tại huyện Bình Sơn có khoảng 900 hộ ngư dân mưu sinh bằng nghề này, tập trung ở các xã Bình Hải, Bình Thuận, Bình Đông, Bình Thạnh, Bình Trị.
Ngư dân ven biển mưu sinh bằng nghề lưới thúng. Ảnh Đỗ Quyên
Thường mỗi thúng chỉ có 1 - 2 người. Phần lớn ngư dân hành nghề lưới thúng ra khơi chỉ một chuyến trong ngày, vào lúc trời còn tối đen đến khoảng 7, 8 giờ sáng là về. Ai “lỳ đòn” mới đi chuyến thứ 2 vào khoảng 5 giờ chiều đến 8, 9 giờ tối. Theo kinh nghiệm, ngày trời gió, cá tôm thường nhiều hơn. Khi ấy, ngư dân cũng ra khơi 2 chuyến trong ngày.
“Mấy năm trước đi biển dễ kiếm tiền, biển nhiều cá lắm, chỉ cần ra khơi bủa lưới là có cá, ít khi kéo lưới không. Bây giờ muốn đánh được nhiều cá phải đi xa hơn, chứ biển gần bờ đã cạn kiệt. Có lần ra xa, bị giã cào kéo rách hết lưới, làm cả tháng trời cũng không đủ, trả tiền công vá lưới. Đó là chưa kể đến chuyện ra khơi lúc trời động, nguy hiểm luôn rình rập”, ông Huỳnh Văn Chương (48 tuổi, thôn Vĩnh Trà, xã Bình Thạnh) cho biết.
Ngư dân chuẩn bị cho một chuyến đi lưới thúng. Ảnh Đỗ Quyên
Ông Dương Văn Minh (54 tuổi, thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải) cũng đã có vài chục năm gắn bó với nghề lưới thúng, bám biển mưu sinh. “Trước kia người dân làng chài đi đánh bắt gần bờ trên chiếc thuyền nan, đan bằng tre, trét dầu rái, sau này mới chuyển sang đánh cá bằng thuyền thúng gắn mái chèo. Thuyền thúng tròn, dễ xoay xở, luồn lách di chuyển vào các bãi rạn, gành đá để săn tôm, cá”, ông Minh kể.
Theo ông Minh, mấy năm gần đây, cùng với sự phát triển của công nghệ, thuyền thúng của ngư dân làng chài được “hiện đại hóa”, gắn máy nổ từ 6 đến 8 mã lực để di chuyển nhanh hơn.
Lưới cước sử dụng trong nghề này cũng có sự thay đổi. Trước đây, hầu hết ngư dân sử dụng lưới cước mắt nhỏ, còn bây giờ, họ chuyển sang sử dụng lưới cước mắt lớn hơn. Dù không bắt được nhiều cá tôm như lưới mắt nhỏ, nhưng bù lại bắt được cá lớn, vừa có thu nhập cao, vừa không khai thác tận diệt. Từ đó nuôi dưỡng được nguồn lợi thủy sản để tạo sinh kế lâu dài.
Gỡ cá ra khỏi mắt lưới. Ảnh Đỗ Quyên
Gắn bó với biển quá lâu, tiếng sóng vỗ bờ, mùi gió biển mặn mặn dường đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của ông Minh. “Chỉ cần được mỗi ngày thức dậy thấy biển, đến giờ thì ra khơi, khi về ngồi bên hiên nhà nghe tiếng sóng vỗ là lòng thấy ấm áp rồi”, ông Minh dõi mắt ra biển, nói nhẹ tênh.