TIN THỦY SẢN

Mặc cho giá dầu tăng cao, ngư dân vẫn tìm mọi cách ra khơi

Ngành đánh bắt các ngừ đại dương đang gặp khó trong giai đoạn dịch COVID-19 và giá xăng dầu ngày càng tăng. Ảnh tintuckhanhhoa Đình Thung - Đăng Lâm

Chi phí tiền dầu tăng cao, ngư dân Bình Định tìm mọi cách tiết kiệm nhiên liệu để có thu nhập từ những chuyến biển.

Ngư dân linh động ứng phó

Theo ông Nguyễn Công Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, thời điểm này gần kết thúc vụ cá Bắc, chuẩn bị vào vụ cá Nam, đến lúc ấy biển sẽ xuất hiện nhiều cá ngừ sọc dưa. Do đó, dù hiện nay giá dầu đã tăng hơn 21.000đ/lít, nhưng tàu cá của ngư dân Bình Định hầu hết không nằm bờ, mà đều ra khơi đánh bắt để mong có những chuyến biển bội thu sản lượng để bù vào khoản chi phí nhiên liệu.

Trong bối cảnh giá dầu tăng cao ngất, ngư dân tìm mọi cách để vừa tiết kiệm nhiên liệu, vừa tăng thu nhập cho chuyến biển. Theo lão ngư Bùi Thanh Ninh, chủ 8 chiếc tàu cá đánh bắt xa bờ hành nghề lưới vây rút chì kiêm câu cá ngừ đại dương ở phường Tam Quan Bắc (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định), trong bối cảnh giá dầu tăng cao như hiện nay, mô hình đánh bắt liên kết trên biển cho thấy hiệu quả thiết thực.

Ông Ninh chia 8 tàu cá của ông làm 2 tổ, khi ra khơi đánh bắt, những tàu cá trong tổ đánh bắt gần nhau, thường xuyên liên lạc với nhau. Khi những chiếc tàu trong tổ đánh bắt được kha khá cá, liền dồn hết qua 1 chiếc tàu chở cá về bờ tiêu thụ, những tàu còn lại tiếp tục đánh bắt.

Chiếc tàu chở cá về bán xong lấy tổn tiếp tục mở chuyến biển mới, mang theo lương thực, thực phẩm bổ sung cho những tàu còn đánh bắt trên biển đủ để kéo dài chuyến biển. Phương cách này tiết kiệm được số lượng dầu để tàu chạy ra chạy vào, vừa kéo dài thời gian đánh bắt trên biển kiếm thêm sản lượng.

Bên cạnh đó, lão ngư Bùi Thanh Ninh còn tổ chức cho những tàu cá của mình hoạt động theo mô hình liên kết để kiếm thêm thu nhập. Đối với những chiếc tàu hành nghề câu cá ngừ đại dương, trong lúc chong đèn dụ cá, nếu thấy có đàn cá ngừ sọc dưa lẩn quẩn tại ngư trường mà tàu câu cá ngừ đại dương đang đánh bắt, lập tức chủ tàu câu cá ngừ đại dương liên lạc mới tàu lưới vây là mối liên kết của mình đến bủa lưới.

Sau khi tàu lưới vây bủa xong mẻ lưới, tóm gọn đàn cá ngừ sọc dưa, tàu câu cá ngừ đại dương cũng sẽ được chia phần, đó cũng là khoản thu nhập thêm của tàu câu cá ngừ đại dương. “Khi tàu lưới vây tiếp cận ngư trường đang có đàn cá ngừ sọc dưa, tàu câu cá ngừ đại dương sẽ tắt hết đèn, sau đó tàu câu cá ngừ đại dương bắt đầu lên đèn để thu hút đàn cá ngừ sọc dưa sang bên ấy. Sau khi đánh mẻ lưới, nếu tàu lưới vây đánh bắt được 100 sọt cá ngừ sọc dưa thì số cá ấy sẽ được chia làm 3 phần, tàu lưới vây lấy 2 phần, tàu câu cá ngừ đại dương được chia 1 phần.

Đó là khoản thu nhập của những tàu câu cá ngừ đại dương trong thời gian đã gần cạn mùa đánh bắt chính. Bủa xong mẻ lưới, tàu lưới vây tắt hết đèn, lúc ấy tàu câu cá ngừ đại dương lại chong đèn để dụ cá đến tiếp tục câu”, lão như Bùi Thanh Ninh chia sẻ.


Trong bối cảnh giá dầu tăng cao, mô hình đánh bắt theo hình thức liên kết trên biển cho thấy hiệu quả thiết thực. Ảnh: V.Đ.T.

Nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng giá trị

Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, ngành nông nghiệp Bình Định khuyến cáo ngư dân cần chú ý đến việc bảo quản sản phẩm sau đánh bắt để nâng cao chất lượng sản phẩm. Khi sản phẩm được nâng cao chất lượng, ắt nhiên giá bán sẽ tăng lên.

Theo ông Nguyễn Công Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, tàu cá đánh bắt xa bờ của Bình Định chủ yếu bảo quản sản phẩm bằng đá xay nên độ lạnh không đảm bảo. Thêm vào đó, chất lượng nước đá của Bình Định kém xa các tỉnh lân cận, thường bị nhiễm phèn và non đá.

Hơn nữa, các tàu làm hầm bảo quản bằng các vật liệu thông thường như xốp, gỗ, mút, khả năng cách nhiệt, cách ẩm chưa cao. Khi sản phẩm lên bờ, hệ thống kho lạnh phục vụ cho bảo quản thủy sản tại cảng cá còn thiếu nên thiếu chỗ bảo quản. Do đó, khi lượng thủy sản về nhiều, các đại lý thu mua xử lý chậm làm giảm chất lượng sản phẩm.

Thời gian qua, ngư dân Bình Định được ngành chức năng khuyến cáo ứng dụng hầm bảo quản bằng vật liệu mới như polyurethane, nhưng khó có khả năng nhân rộng, bởi chi phí vật liệu cao gấp 3-4 lần so với vật liệu truyền thống.

Giữa năm 2021, tại Hội nghị trực tuyến giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác, chế biến, tiêu thụ thủy sản do Bộ NN-PTNT tổ chức, Viện nghiên cứu hải sản đã chia sẻ 2 công nghệ bảo quản sản phẩm thủy sản của đơn vị nghiên cứu thực hiện và chuyển giao.

Trong đó, công nghệ Nano UFB bảo quản cá ngừ đại dương đã chuyển giao cho 10 tàu câu cá ngừ đại dương của Bình Định từ năm 2017-2019 với giá 50 triệu đồng/chiếc, nếu nhập nguyên thiết bị từ Nhật Bản thì giá là 50.000 USD/chiếc. Thiết bị này có thể bảo quản sản phẩm trong 25 ngày, chất lượng đạt loại A chiếm khoảng 70%, trong khi bảo quản bằng nước đá chỉ đạt khoảng 5-10%.

Còn công nghệ bảo quản cá ngừ đại dương bằng đá sệt đã lắp đặt và triển khai trên 1 số tàu cá của ngư dân Bình Định và Khánh Hòa, kết quả ban đầu cho thấy hệ thống vận hành ổn định, hiệu quả, phù hợp với tàu vỏ gỗ và vỏ composite.

Thời gian hạ nhiệt độ đúng tiêu chuẩn để bảo quản cá nhanh hơn 6 lần so với đá xay, sản phẩm bảo quản được 20-25 ngày, trong khi nước đá chỉ bảo quản được 10-12 ngày, chất lượng sản phẩm tăng bình quân hơn 30% và giảm được 4,7% tổn thất về số lượng so với đá xay.

Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định: “Giá dầu tăng đã ảnh hưởng đến gần 6.000 tàu cá của ngư dân Bình Định, trong đó có hơn 3.200 tàu cá đánh bắt xa bờ. Để bù vào khoản chi phí tăng thêm của mỗi chuyến biển do giá dầu tăng, ngư dân Bình Định 1 mặt làm kiêm nghề, mặt khác áp dụng những công nghệ tiên tiến để bảo quản sản phẩm sau khai thác để làm tăng chất lượng sản phẩm. Chất lượng sản phẩm được nâng lên sẽ có giá bán tốt hơn, khoản tăng thêm từ chất lượng sản phẩm sẽ bù được phần nào khoản chi phí tăng thêm từ giá nhiên liệu”.

Đình Thung - Đăng Lâm Nông nghiệp Việt Nam