TIN THỦY SẢN

Liên kết chuỗi giá trị tôm: Cần nhưng vẫn khó

Liên kết trong nuôi tôm - cần nhưng khó thực hiện. Hình minh họa Xuân Trường

Không chỉ có những hộ nuôi tôm nhỏ lẻ mà ngay cả những tổ hợp tác, hợp tác xã (THT, HTX) hay trang trại, việc liên kết với các doanh nghiệp cung ứng đầu vào và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi vẫn rất khó thực hiện. Nguyên nhân có nhiều, nhưng chủ yếu vẫn là các bên chưa tìm được tiếng nói chung trong việc chia sẻ rủi ro và lợi ích.

Gia tăng liên kết

Những năm qua, Sóc Trăng, Bạc Liêu là các tỉnh có sản lượng nuôi tôm lớn đã tăng cường liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị thông qua việc thành lập HTX, THT; tăng cường mô hình nuôi tôm sạch theo tiêu chuẩn; tăng cường liên kết người nuôi và nhà máy chế biến, lấy nhà máy chế biến làm chủ đạo, hạn chế trung gian. Vừa qua, trong một nỗ lực hỗ trợ hội viên, Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng) đã thỏa thuận với một số doanh nghiệp lớn trong cung ứng vật tư đầu vào nuôi tôm, như: C.P. Việt Nam, Uni-President, Thăng Long, Vĩnh Thịnh, Việt - Úc, Anh Việt, Hóa sinh Việt Nam… trong việc cung ứng con giống, thức ăn, chế phẩm vi sinh…; giúp hội viên có sản phẩm chất lượng, với giá rẻ hơn thị trường, nhằm giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất.

Còn vướng mắc

Nhu cầu liên kết giữa các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào hay doanh nghiệp chế biến xuất khẩu với các HTX, THT, trang trại hay người nuôi tôm là rất lớn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, mối liên kết giữa doanh nghiệp với người nuôi tôm vẫn chưa như mong đợi. Theo ông Nguyễn Văn Nhiệm, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh, sở dĩ các doanh nghiệp có sản phẩm uy tín, được người nuôi tín nhiệm thường ít chịu tham gia vào chuỗi liên kết là do tại hầu hết các vùng nuôi họ đều có các đại lý đảm nhận, mà làm ăn với đại lý bao giờ cũng ổn định và ít rủi ro hơn.

Một vấn đề khác đó chính là HTX, THT hay người nuôi tôm còn gặp khó nguồn vốn; trong khi, các doanh nghiệp cung ứng đầu vào như: thức ăn, con giống, thuốc thú y… phần lớn chỉ chấp nhận các hình thức khuyến mãi, giảm giá, chứ không chấp nhận bán nợ, nên họ chọn đại lý để an toàn hơn.

Liên quan đến vốn, anh Huỳnh Xuân Diện, Giám đốc HTX Nuôi thủy sản năng suất cao Tân Hưng (Cà Mau) cho biết: “Mô hình nuôi tôm thâm canh 2 giai đoạn hiện đang rất hiệu quả, nhưng cái khó là vốn đầu tư cao, nên không phải ai cũng có thể đầu tư được. Do đó, giải pháp khả thi nhất đối với người nuôi là tìm đến đại lý để được bán nợ, dù biết giá mua lúc nào cũng cao hơn 15 - 30%. Ngay như HTX chúng tôi, việc liên kết với doanh nghiệp có uy tín vẫn chưa thể thực hiện được, chứ đừng nói đến hộ nuôi nhỏ lẻ”.

Ở Sóc Trăng hiện chỉ mới có trên 10 THT, HTX có liên kết đầu vào với doanh nghiệp, nhưng vẫn phải mua tiền mặt mới được hưởng phần chiết khấu như đại lý. Ông Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc HTX Thành Đạt (huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) chia sẻ: “Nếu như HTX không có đủ tiềm lực về tài chính thì rất khó liên kết với doanh nghiệp cung ứng thức ăn, con giống… Vì vậy, phần lớn vẫn phải chấp nhận làm ăn với đại lý mới có đủ điều kiện để nuôi”.

Chuyện bẻ kèo hay ép giá lẫn nhau là chuyện thường ngày của nghề tôm và thường xảy ra ở khâu liên kết tiêu thụ sản phẩm. Thông thường các hợp đồng liên kết sẽ lấy mức giá bình quân trên thị trường tại thời điểm lấy mẫu tôm, cộng với một tỷ lệ nhất định theo thỏa thuận. Với hình thức này, nếu thị trường bình thường việc liên kết sẽ được thực hiện suôn sẻ, còn khi hút hàng hoặc dội chợ, sẽ rất khó thực hiện và tình trạng bẻ kèo hay ép giá sẽ phát sinh.

Giám đốc HTX 30/4 (huyện Hòa Bình, Bạc Liêu) Đặng Văn Ngọc cho biết: “Hợp đồng này nọ theo liên kết chuỗi đều có đủ hết, nhưng khi đi vào thực hiện thì vướng đủ thứ. Đơn cử như tôm nuôi của HTX theo quy trình tôm sạch, nhưng doanh nghiệp chỉ mua bằng với giá tôm bên ngoài, mà không có cộng thêm đồng nào như cam kết trước đó, khiến một số thành viên bất bình và chán nản”.

Ông  Trần Quang Cần, Phó Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản Hưng Phú (huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng) cũng than: “Hiện vốn của HTX để bảo lãnh cho các công ty cung cấp các sản phẩm đầu vào vẫn hết sức khó khăn, nên việc ký hợp đồng cung cấp cho chuỗi vẫn chưa được như mong muốn. Ngay cả ở khâu tiêu thụ, dù hợp đồng với giá cao hơn khoảng 5.000 - 6.000 đồng/kg, nhưng chỉ cần số lượng không đạt cũng khó mà bán được theo hợp đồng”.

Xuân Trường TSVN