TIN THỦY SẢN

Liên kết doanh nghiệp – nông dân

Liên kết doanh nghiệp – nông dân sẽ là động lực để ngành cá tra phát triển Sơn Trang

Để đi vào sản xuất cá tra một cách bền vững, ở An Giang đang xuất hiện ngày càng nhiều những mô hình liên kết sản xuất cá tra nguyên liệu giữa DN với nông dân.

Liên kết doanh nghiệp – nông dân

Theo ông Trần Phùng Hoàng Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản An Giang, trên địa bàn tỉnh này hiện đã có một số mô hình liên kết nuôi cá tra khá hiệu quả, với sự tham gia của nông dân trên địa bàn và các công ty trong và ngoài tỉnh.

Mô hình đầu tiên có thể kể tới là Cty CP Chế biến và XK Thủy sản Sao Mai liên kết với 6 hộ nông dân nuôi cá tra trên tổng diện tích 18,06 ha, sản lượng 13.655 tấn/năm. Trong chuỗi liên kết này, Cty Sao Mai đầu tư thức ăn cho nông dân, khoán hệ số FCR (hệ số chuyển đổi thức ăn) là 1,57 (1,57 kg thức ăn ra 1 kg cá tra nguyên liệu), cộng thêm cho hộ nuôi 4.500 đ/kg cá tra nguyên liệu.

Cty CP XNK Thủy sản An Giang (Agifish) liên kết với 2 hộ nông dân trên tổng diện tích 2,42 ha, sản lượng 700 tấn/năm. Agifish hỗ trợ 100% chi phí thức ăn cho nông dân theo giá thị trường thỏa thuận, nông dân chịu lãi suất 1%/tháng. Khi thu hoạch, nông dân giao cá tra thương phẩm cho công ty cũng theo giá thị trường thỏa thuận tại thời điểm thu hoạch.

Cty CP Vĩnh Hoàn liên kết với 3 hộ nông dân trên diện tích 33,7 ha, sản lượng 13.790 tấn/năm. Nông dân được hỗ trợ 100% chi phí thức ăn do Vĩnh Hoàn sản xuất theo giá thị trường thỏa thuận, Cty khoán hệ số FCR là 1,57-1,6. Khi thu hoạch, nông dân giao toàn bộ cá tra cho Cty. Sau khi trừ đi số lượng cá nông dân phải trao cho Cty theo hệ số thức ăn giao khoán, số lượng cá còn lại sẽ được Cty thanh toán theo giá thị trường.

Cty Afiex liên kết với 1 hộ nông dân nuôi trên diện tích 3,16 ha và sản lượng 1.275 tấn/năm. Afiex chịu 55% chi phí sản xuất (thức ăn, giống, thuốc…), sử dụng thức ăn của Afiex. Khi thu hoạch, hộ nông dân đó bán cá cho Afiex theo giá thị trường, lợi nhuận được chia theo tỷ lệ Cty 55%, nông dân 45%. CP Việt Nam cũng đã thử nghiệm liên kết với 1 hộ nông dân nuôi trên diện tích 0,72 ha và sản lượng 220 tấn/năm. CP Việt Nam đầu tư 100% thức ăn loại CP 26,30% độ đạm, khoán hệ số FCR là 1,57 cộng thêm 4.000 đ/kg cá tra nguyên liệu. Hộ nuôi đăng ký sản lượng ban đầu. Đến lúc thu hoạch, nếu hụt sản lượng so với đăng ký, phải đền cho Cty 21.000 đ/kg. Nếu vượt sản lượng, phần dôi dư sẽ được Cty thanh toán 21.000 đ/kg…

Các mô hình liên kết giữa nông dân với DN, tuy chưa phải là tối ưu, nhưng đều có 1 điểm chung là nông dân tuy không có lời nhiều, nhưng cũng không lo bị thua lỗ. Mức lời bình quân của nông dân là 1.000-2.000 đ/kg cá tra nguyên liệu. 

Liên kết sản xuất giống theo hệ thống 3 cấp

Về sản xuất giống, An Giang đang đầu tư cơ sở hạ tầng xây dựng vùng sản xuất giống cá tra tập trung, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo quy mô công nghiệp, sử dụng đàn cá tra bố mẹ chất lượng, ứng dụng quy trình sản xuất giống đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam.

Theo đó, An Giang đang tổ chức lại sản xuất theo liên kết chuỗi, có chia sẻ trách nhiệm các bên liên quan. Các bên tham gia ký kết hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ cá tra 3 cấp. Cụ thể: Cấp I gồm Viện Nghiên cứu NTTS II cùng các viện nghiên cứu trong và ngoài nước cung cấp đàn cá tra bố mẹ tuyển chọn các tính trạng tốt như tăng trưởng nhanh, kháng bệnh, chất lượng thịt tốt; Cấp II là Trung tâm Giống thủy sản An Giang và các trại giống liên kết sản xuất, cung cấp cá tra bột cho vùng ương; Cấp III là vùng ương giống sản xuất, cung cấp cá tra giống cho nuôi thương phẩm theo liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ với sự tham gia của DN chế biến cá tra XK làm hạt nhân của chuỗi liên kết.

Để chuẩn bị bổ sung đàn cá tra bố mẹ chất lượng phục vụ sản xuất, cung ứng giống cá tra 3 cấp, Chi cục Thủy sản và Trung tâm Giống Thủy sản An Giang đã làm việc với Viện Nghiên cứu NTTS II, đăng ký tiếp nhận thêm đàn cá tra bố mẹ hậu bị. Trong năm nay, 4 cơ sở sản xuất giống trong tỉnh sẽ tiếp nhận đàn cá tra từ Viện Nghiên cứu NTTS II là 9.000 con, trong đó 8.000 con là cá tra hậu bị. Đây là đàn cá có các tính trạng tăng trưởng qua 3 thế hệ, kháng bệnh gan thận mủ thế hệ I.

Chương trình liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp của An Giang nhận được phản hồi tích cực từ nhiều doanh nhân. Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Cty CP Hùng Vương, cho rằng, chương trình giống 3 cấp là 1 bước đi vững chắc. Việc liên kết, cung cấp cá bột chất lượng cao cho nông dân ương giống thương phẩm và bao tiêu sản phẩm là rất khả thi. Với việc sản xuất theo chuỗi như thế này, tính toán hết chi phí, giá thành cá tra nguyên liệu không quá 21.000 đ/kg. Bao tiêu 23.000 đ/kg là đảm bảo nông dân có lời 2.000 đ/kg. Ngoài ra, nông dân tham gia liên kết còn có những cái lợi khác như nhận cá bột để nuôi, sử dụng thức ăn mà không phải thanh toán tiền, được bao tiêu sản phẩm.

Theo bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Cty CP Vĩnh Hoàn, liên kết sản xuất cá tra không nên chỉ bắt đầu từ nuôi thương phẩm, mà phải từ ương con giống, với nguồn con giống sạch bệnh, chất lượng tốt. Do đó, mô hình liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp ở An Giang cần được nhân rộng sang các địa phương khác.

Sơn Trang Nông nghiệp Việt Nam