TIN THỦY SẢN

Long An nhiều diện tích đất lúa chuyển sang nuôi cá tra

Thạnh Hóa - Long An: chuyển 146ha đất lúa sang nuôi trồng thủy sản

Nhiều diện tích đất lúa trên địa bàn huyện Thạnh Hóa - Long An đã chuyển sang nuôi trồng thủy sản tuy nhiên sản xuất ồ ạt theo phong trào dễ dẫn đến mất mùa mất giá.

Đến thời điểm này, trên địa bàn huyện Thạnh Hóa có khoảng 146,3ha chuyển từ trồng lúa, tràm sang nuôi trồng thủy sản, trong đó có trên 86ha chuyển sang nuôi ương cá tra bột. Nguyên nhân người dân rầm rộ chuyển đổi từ đất lúa sang nuôi, ương cá tra bột là do mô hình này cho thu nhập cao từ 200-300 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, ngành chức năng huyện cũng cảnh báo một số trường hợp do con giống không bảo đảm, ảnh hưởng thời tiết nên dễ phát sinh dịch bệnh. 

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi là hướng đi cần thiết góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.Tuy nhiên, sản xuất ồ ạt theo kiểu “phong trào”, về lâu dài sẽ phá vỡ quy luật cung – cầu trong sản xuất và lưu thông hàng hóa. Do đó, người dân cần cân nhắc trước khi chuyển sang mô hình mới, cũng như khuyến cáo của ngành chức năng.

Tân Thạnh: Diện tích nuôi cá tra bột tăng mạnh

Chỉ một thời gian ngắn, số hộ chuyển từ trồng lúa sang đào ao nuôi cá tra giống tại huyện Tân Thạnh tăng rất nhanh vì có lãi nhiều. Tính đến nay, huyện Tân Thạnh có trên 1 ngàn ha nông dân tự chuyển từ trồng lúa sang nuôi cá tra, tập trung chủ yếu ở các xã như: Tân Hòa, Bắc Hòa , Kiến Bình, Tân Ninh …


Diện tích Tân Thạnh nuôi cá tra bột tăng mạnh

Tuy nhiên, theo nhận định của chính quyền địa phương cũng như người nuôi, nghề nuôi cá tra giống rủi ro khó lường. Người nuôi chưa được tập huấn kỹ thuật, xử lý môi trường chưa đảm bảo, nhất là việc đổ xả trực tiếp ra các kênh rạch sau khi thu hoạch hoặc khi bị dịch bệnh, ảnh hưởng đến môi trường. Đầu ra cá tra giống cũng không ổn định do phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ và tình hình nuôi cá tra thương phẩm tại các tỉnh lân cận như: Đồng Tháp, An Giang và Tiền Giang.

Bên cạnh tuyên truyền và khuyến cáo người dân, người nuôi cá cần tìm các nguồn giống uy tín, chất lượng và thông tin thị trường nhằm bảo đảm an toàn dịch bệnh, ổn định đầu ra và có giải pháp xử lý nước thải từ các ao nuôi cá. Do trong nghề nuôi trồng thủy sản, đa phần nông dân chưa đầu tư ao lắng để cấp nước vào và đưa nước ra trong thời gian nuôi, nên dể xuất hiện dịch bệnh, thời tiết mưa nắng thất thường nên dể xảy ra dịch bệnh, người nuôi cá tra bột cũng gặp không ít rủi ro.

TH Long An