Lũ cạn !
Những năm gần đây, nước lũ từ thượng nguồn đổ về ngày càng ít hơn cùng với nguồn lợi thủy sản do lũ mang lại cũng ngày càng ít đi. Kéo theo đó, cơ hội kiếm sống của người dân vùng đầu nguồn cũng bị thu hẹp.
Tôm, cá ít dần:
Nhiều người làm nghề đánh bắt cá lâu năm cho biết, chưa mùa lũ năm nào khan hiếm cá như năm nay. Tại các chợ đầu mối cá đồng ở Khánh An, Khánh Bình, Nhơn Hội, Vĩnh Hội Đông (An Phú)… cảnh mua bán cá đồng khá “đìu hiu”, hầu hết các sạp hay rổ cá bày bán loại cá nhỏ. Với thâm niên hơn chục năm mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá giáp biên giới Campuchia và vùng đầu nguồn, ông bảy Hiền cho biết, chưa bao giờ có cảnh khan hiếm cá như thế. Ngồi cả ngày, kéo lưới 3- 4 lần nhưng chỉ bắt được vài ký cá, trong khi mọi năm tha hồ bắt cá lớn, cá ngon theo dòng nước lũ về.
Còn tư Dững, một ngư dân kỳ cựu ở Phú Hữu (An Phú), cũng cho biết: Từ đầu mùa nước nổi tới giờ, thu nhập từ nghề đặt lú của ông rất khiêm tốn. Với chục cái lú, mỗi đêm chỉ thu hoạch được vài ký cá các loại, trong đó thiếu vắng các loại đặc sản, như: Cá heo, chạch lấu, cá lăng… Nếu tính chi phí trang bị ngư cụ thì coi như chưa đủ vốn.
Dắt tôi ra thăm miệng dớn có chiều dài lưới trên 100m nằm dưới đồng nước sau nhà, ngồi suốt cả buổi sáng, nhưng ông Tùng (xã Nhơn Hội) chỉ đổ được hơn 1kg cá linh. Ông Tùng than: Nhiều ngày qua, lượng cá bắt được đủ ăn cho 4 người trong nhà. Bữa nào trúng cũng chỉ khoảng 3-4kg cá. Không chỉ bị thất mùa, năm nay ngư dân còn gánh thêm nạn “thất giá”. Dù giá bán cá linh tại các chợ đô thị đang còn ở mức 40.000- 50.000 đồng/kg, nhưng do phải qua nhiều tầng nấc trung gian, chi phí vận chuyển nên giá bán tại chỗ rất thấp, chỉ từ 10.000- 20.000đồng/kg.
Người giàu cũng khóc:
Không chỉ người nghèo gặp khó mà ngay cả những người có tiền của đầu tư phương tiện đánh bắt quy mô lớn với nhiều lao động… cũng thua lỗ phải ngậm ngùi bán ngư cụ, có người phải chia tay vĩnh viễn với nghề đã gắn bó hàng chục năm trời. Ông Nguyễn Văn Đa, Trưởng ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Hội Đông, cho biết: “Trong ấp có nhiều chủ đáy loại lớn trị giá hàng trăm triệu đồng/miệng đáy rao bán điểm khai thác và bán rẻ cả phương tiện, do làm ăn không hiệu quả, bởi tôm, cá đặt được ngày càng ít”. Nhiều chủ dớn cũng có hoàn cảnh tương tự. Trong đó có ông Trần Văn Tờ, là “đại gia” trong làng đánh bắt cá mùa lũ với miệng dớn có chiều dài đường lưới lên đến ba cây số ở An Phú, nhưng sau mấy mùa liên tiếp huề vốn, năm nay cũng quyết định chia tay vĩnh viễn với nghề “bà cậu”.
Nhánh sông Hậu từ ngã ba Dung Thăng (xã Vĩnh Hội Đông) đổ xuống Châu Đốc có nhiều giàn đáy đang hoạt động. Giàn “đáy nhất” của ông Th. giáp biên giới Campuchia có giá 600 triệu đồng nhưng cũng bữa trúng, bữa thất. Ông Nguyễn Văn Sến, một ngư dân đang khai thác 3 miệng đáy trên đoạn sông này, cho biết: “Năm nay, lũ lớn hơn năm rồi nhưng lượng cá thu được “hiu” quá. Như những năm trước, từ 3 miệng đáy, mỗi đêm kiếm được vài triệu đồng dễ dàng. Còn hai, ba năm nay thì tôm, cá rất ít. Nhiều khi nản quá muốn bán để tìm nghề khác nhưng ở đây là vùng sông nước đầu nguồn, không đánh bắt thủy sản thì biết làm gì. Hy vọng kỳ cá ra vào giữa tháng 9 - 10 âm lịch sẽ khấm khá hơn”.
Theo Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản An Giang, khoảng chục năm trở lại đây, lượng thủy sản khai thác trong tự nhiên sụt giảm đến 50%, nên việc kiếm sống của người dân vùng lũ ngày càng khó khăn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn lợi thủy sản, nhưng cơ bản vẫn do việc xây các đập trên thượng nguồn sông Mê Kông làm giảm sản lượng cá của lưu vực. Trong khi ở nội địa, hầu hết các cánh đồng đều được đê bao khép kín để sản xuất 3 vụ, cùng với việc sử dụng hóa chất độc hại trong sản xuất nông nghiệp gây ô nhiễm môi trường, nên không chỉ có lượng cá tự nhiên sụt giảm nghiêm trọng, mà nhiều sản vật từng giúp người nghèo, như: Bông súng, điên điển, rau muống đồng… cũng ít đi, khiến cuộc mưu sinh của người dân vùng đầu nguồn ngày càng thắt ngặt hơn.