TIN THỦY SẢN

Lúng túng thực hiện nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Nuôi thủy sản theo mô hình ứng dụng công nghệ cao Bài, ảnh: Nguyễn Rạng

Chủ trương phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC) là hướng đi đúng nhằm đưa nền nông nghiệp An Giang phát triển bền vững, nâng cao đời sống người dân. Tuy nhiên, qua gần 4 năm thực hiện, chương trình đã bộc lộ không ít lúng túng và bất cập.

Ngày 27-6-2012, Tỉnh ủy An Giang ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển NNƯDCNC tỉnh An Giang giai đoạn 2012-2020 và tầm nhìn đến năm 2030”. Đây là chương trình trọng điểm với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các ngành Nông nghiệp, Khoa học- Công nghệ, Tài nguyên- Môi trường, Công thương, Xúc tiến Thương mại và Đầu tư… Trước mắt, để phát triển NNƯDCNC đến năm 2017, UBND tỉnh An Giang đã đầu tư gần 300 tỷ đồng hình thành và phát triển các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng vào các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp kết hợp xây dựng các chuỗi giá trị sản xuất tăng giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản thực phẩm. Riêng ngành Nông nghiệp được giao thực hiện 8 quy hoạch chi tiết về NNƯDCNC, gồm: Phát triển lúa đặc sản - lúa chất lượng cao, nấm ăn, nấm dược liệu, phát triển chăn nuôi, thủy sản, rau màu, hoa kiểng, cây ăn quả, vùng bảo tồn và phát triển cây dược liệu. Đồng thời, thực hiện 7 kế hoạch gói hỗ trợ kỹ thuật, tài chính, thị trường cho các sản phẩm. Ngoài ra, ngành này còn được giao nhiệm vụ xây dựng đề án xã hội hóa hoạt động khuyến nông, khuyến ngư phục vụ phát triển NNƯDCNC và tổ chức nghiên cứu thực hiện các mô hình NNƯDCNC hiệu quả để nhân rộng toàn tỉnh.

Qua gần 4 năm triển khai thực hiện Chương trình phát triển NNƯDCNC, bước đầu đã đạt được một số kết quả quan trọng, như: Xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật; cơ sở vật chất phục vụ hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ, sản xuất thử nghiệm, đặc biệt là hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tăng gấp 3 lần so trước… Nhìn tổng thể, chương trình khởi động tốt, nhưng ở góc độ cụ thể thì còn không ít bất cập và bị động. Phát biểu tại buổi kiểm tra của đoàn công tác Đảng ủy Khối Dân chính Đảng về việc thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU đối với Đảng ủy Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang mới đây, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Cao Văn Be nêu ý kiến: “Trước hết, thị trường tiêu thụ sản phẩm NNƯDCNC đến nay gần như thả nổi. Giá cả mặt hàng NNƯDCNC và sản phẩm cùng loại bán đại trà chênh lệch rất ít, nên cửa hàng phục vụ sản phẩm ƯDCNC cứ ít dần do lỗ lã, không ai dám đầu tư. NNƯDCNC là lĩnh vực mới nên nhiều nơi chưa thông suốt, còn lúng túng trong triển khai thực hiện. Công tác phối hợp giữa các sở, ngành vẫn chưa chặt chẽ, chưa có cơ chế cụ thể liên kết bền vững giữa nông dân - doanh nghiệp đã cản trở việc mở rộng sản xuất và làm chậm tiến trình ƯDCNC trong nông nghiệp trên địa bàn”.

Hiện nay, quá trình sản xuất ƯDCNC còn nhiều trở ngại vì thiếu vốn, thiếu việc, thiếu công nghệ. Bên cạnh khó khăn về nguồn vốn đầu tư, việc tìm thị trường tiêu thụ nông sản là nan giải và đây được coi là yếu tố kìm hãm lớn nhất khi mở rộng sản xuất của nông dân. Thêm vào đó, cơ chế chính sách của Trung ương phục vụ phát triển NNƯDCNC cũng như thông tin tuyên truyền vẫn chưa nhiều, chưa đồng bộ, chưa đầy đủ và còn nhiều bất cập, đôi khi chưa rõ ràng nên khó vận dụng vào thực tế. Thậm chí, một số quy định còn chưa phù hợp và xa rời thực tế. Đối với địa phương cũng chưa có chính sách đặc thù về lĩnh vực này nên chưa thật sự thu hút sự đầu tư của các thành phần kinh tế.

Đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Đảng ủy Khối Dân chính Đảng vừa qua cho thấy, việc ƯDCNC trong nông nghiệp trên địa bàn chưa sâu rộng, từng lúc, từng nơi còn mang tính tự phát và việc tiếp cận với công nghệ cao đúng nghĩa còn hạn chế, quy mô nhỏ lẻ, chưa tập trung, chưa theo kịp định hướng. Các ngành, địa phương còn nhiều lúng túng trong triển khai, thiếu thông tin cần thiết, đặc biệt là thông tin về thị trường nên gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm công nghệ và tổ chức sản xuất.

Bài, ảnh: Nguyễn Rạng Báo An Giang, 20/04/2016