TIN THỦY SẢN

Mầm bệnh cơ hội và mầm bệnh "bắt buộc" trong thủy sản

Mầm bệnh là một trong những mối đe dọa lớn nhất ảnh hưởng đến sức khỏe và năng suất của các loài thủy sản Hà Tử

Mầm bệnh có thể được chia thành hai loại chính: mầm bệnh cơ hội và mầm bệnh bắt buộc. Việc hiểu rõ về đặc điểm, ký chủ, giai đoạn phân bố, môi trường sống, lây lan, triệu chứng và phương pháp phòng trị bệnh của hai loại mầm bệnh này là rất cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành nuôi trồng thủy sản

Đặc điểm và ký chủ chính 

Mầm bệnh cơ hội: là những vi sinh vật (vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng) vốn dĩ tồn tại sẵn trong môi trường hoặc trên cơ thể các động vật thủy sản nhưng không gây bệnh trong điều kiện bình thường. Tuy nhiên, khi có sự thay đổi bất lợi trong môi trường hoặc khi hệ miễn dịch của vật chủ bị suy giảm, những vi sinh vật này có thể sẽ trở thành mầm bệnh. Vd: Vi khuẩn Aeromonas hydrophila, nấm Saprolegnia thường tồn tại trong môi trường nước ngọt và trở nên nguy hiểm khi thủy sản bị stress hoặc khi thay đổi tiêu cực các chỉ tiêu chất lượng nước. Những loài thủy sản có sức đề kháng kém hoặc dễ bị tổn thương chính là ký chủ chính của loại mầm bệnh này. 

Mầm bệnh bắt buộc: là những vi sinh vật gây bệnh trong mọi trường hợp, tức là chúng luôn cần phải gây bệnh để tồn tại và phát triển. Những vi sinh vật này thường không tồn tại ngoài cơ thể vật chủ lâu dài và cần ký chủ trung gian để hoàn thành vòng đời của mình. Ví dụ: Virus gây bệnh đốm trắng (WSSV) trên tôm. Ký chủ của mầm bệnh bắt buộc là những loài thủy sản mà mầm bệnh này chuyên tấn công. Những ký chủ này có thể là một hoặc nhiều loài khác nhau, nhưng thường là những loài mà vi sinh vật này đã thích nghi và phát triển cơ chế gây bệnh đặc thù. 

Độc lực 

Mầm bệnh cơ hội và mầm bệnh bắt buộc có sự khác biệt rõ rệt về độc lực. Mầm bệnh cơ hội có độc lực thấp hơn và phụ thuộc nhiều vào tình trạng sức khỏe của ký chủ cũng như điều kiện môi trường để gây bệnh. Ngược lại, mầm bệnh bắt buộc có độc lực cao và luôn gây bệnh bất kể tình trạng sức khỏe khi xâm nhập vào ký chủ, phát triển các cơ chế gây bệnh hiệu quả hơn và mức độ ảnh hưởng ít bị biến động bởi các yếu tố bên ngoài.

Giai đoạn phân bố 

Mầm bệnh cơ hội: có thể tồn tại ở nhiều giai đoạn khác nhau trong chu kỳ sống của thủy sản. Chúng có thể tồn tại ở dạng không gây bệnh trong điều kiện môi trường tốt và chỉ trở thành mầm bệnh khi có sự thay đổi bất lợi. Ngược lại, mầm bệnh bắt buộc thường có các giai đoạn phân bố rõ ràng, liên quan chặt chẽ đến chu kỳ sống của vật chủ. Chúng phải trải qua các giai đoạn phát triển trong cơ thể vật chủ và gây bệnh để hoàn thành chu kỳ sống. 

Lây lan 

Mầm bệnh cơ hội: Sự lây lan của mầm bệnh cơ hội thường liên quan đến sự thay đổi điều kiện môi trường và sức đề kháng của vật chủ. Những yếu tố như chất lượng nước kém, mật độ nuôi cao, stress môi trường, và chế độ dinh dưỡng không hợp lý có thể làm tăng nguy cơ lây lan. 

Phòng bệnh đối với mầm bệnh cơ hội chủ yếu dựa vào việc duy trì môi trường nuôi tốt. Ảnh: Tép Bạc

Mầm bệnh bắt buộc: Lây lan chủ yếu qua tiếp xúc trực tiếp giữa các vật chủ hoặc qua môi trường nước chứa mầm bệnh. Chúng có thể lây lan nhanh chóng và gây ra các dịch bệnh lớn do khả năng gây bệnh cao và cơ chế phát sinh bệnh hiệu quả.

Triệu chứng 

Triệu chứng của mầm bệnh cơ hội thường không đặc trưng và có thể giống với các dấu hiệu stress hoặc tổn thương không do mầm bệnh. Các triệu chứng phổ biến bao gồm lở loét, xuất huyết, giảm ăn, suy nhược và giảm tăng trưởng. Trong khi đó, triệu chứng của các mầm bệnh bắt buộc thường rõ ràng và rất đặc trưng, giúp nhận diện dễ dàng hơn. Ví dụ: Bệnh đốm trắng (WSSD) gây ra các đốm trắng trên vỏ và cơ thể tôm, trong khi bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND) gây hoại tử ở gan tụy. 

Phòng trị bệnh 

Phòng bệnh đối với mầm bệnh cơ hội chủ yếu dựa vào việc duy trì môi trường nuôi tốt, quản lý stress, và cải thiện sức đề kháng của tôm, cá. Sử dụng các biện pháp như kiểm soát chất lượng nước, chế độ dinh dưỡng hợp lý, và giảm mật độ nuôi có thể giúp ngăn chặn sự phát triển của mầm bệnh cơ hội. 


Tiêu chíMầm bệnh cơ hộiMầm bệnh bắt buộc
Độc lựcThấp, phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe ký chủ và môi trường 
Cao, ổn định, luôn gây bệnh khi có mặt
Khả năng gây bệnhThường không gây bệnh ở ký chủ khỏe mạnh 
Luôn luôn gây bệnh khi xâm nhập vào ký chủ 
Mức độ kiểm soátDễ kiểm soát bằng các duy trì môi trường tốt và ổn định sức khỏe vật nuôi 
Khó kiểm soát, cần biện pháp phòng ngừa riêng và điều trị đặc hiệu 

Phòng bệnh đối với mầm bệnh bắt buộc đòi hỏi các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn, bao gồm kiểm dịch, quản lý di truyền, và sử dụng vacxin (nếu có). Việc kiểm soát mầm bệnh bắt buộc cần phải được thực hiện từ giai đoạn giống đến khi nuôi thương phẩm để đảm bảo an toàn sinh học. Do tính chất gây bệnh cao và khả năng kháng thuốc, việc điều trị đòi hỏi sự kết hợp của nhiều biện pháp như sử dụng thuốc kháng virus, kháng sinh (đối với vi khuẩn), và các biện pháp hỗ trợ khác. 

Hiểu rõ hơn về 2 loại mầm bệnh trên không chỉ giúp người nuôi tôm cá áp dụng đúng các biện pháp quản lý và phòng trị bệnh hiệu quả mà còn giúp họ đưa ra những phương pháp xử lý kịp thời và đúng đắn khi gặp phải các vấn đề về sức khỏe của vật nuôi. 

Hà Tử