Mạnh tay loại bỏ kháng sinh kích thích sinh trưởng trong thức ăn chăn nuôi
Mạnh tay loại bỏ kháng sinh kích thích sinh trưởng trong thức ăn chăn nuôi.
Theo Bộ NN&PTNT, tình trạng lạm dụng chất kháng sinh trong thức ăn gia súc, gia cầm được đánh giá nguy hiểm hơn cả chất tạo nạc. Do vậy, việc loại bỏ càng cần thiết hơn.
Mới đây, Cục Chăn nuôi đã có văn bản hướng dẫn về lộ trình dừng nhập khẩu thức ăn chăn nuôi có chứa kháng sinh trong thời gian tới. Điều này đã thể hiện nỗ lực của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) trong việc thực hiện mục tiêu loại bỏ hoàn toàn chất kháng sinh kích thích tăng trưởng trong thức ăn chăn nuôi kể từ năm 2018.
Theo đó, từ 1/10/2017, các doanh nghiệp sẽ phải dừng nhập hoàn toàn thức ăn chăn nuôi chứa chất kháng sinh kích thích tăng trưởng, trong đó có cả 15 loại kháng sinh đang được Bộ NN&PTNT quy định về hàm lượng cho phép sử dụng hiện nay. Đồng thời, kể từ sau ngày 1/1/2018, các đơn vị cũng phải giám sát để không còn bất kỳ loại thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh kích thích tăng trưởng nào được mua bán trên thị trường.
Theo Bộ NN&PTNT tình trạng lạm dụng chất kháng sinh trong thức ăn gia súc, gia cầm được đánh giá nguy hiểm hơn cả chất tạo nạc. Nếu sử dụng lạm dụng thì có thể gây phá vỡ hệ vi sinh vật đường ruột, tồn dư kháng sinh trong thực phẩm. Nếu người sử dụng thực phẩm tồn dư kháng sinh thì có thể ảnh hưởng đến chức năng gan thận, suy giảm sức đề kháng cơ thể, tạo nguy cơ gây nên tình trạng kháng thuốc.
Khi loại bỏ thức ăn chứa chất kháng sinh kích thích tăng trưởng trong chăn nuôi, những đối tượng bị ảnh hưởng đầu tiên chính là các doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, trên thực tế, các công ty này đã có sự chuẩn bị sẵn sàng cho lộ trình này từ sớm như ngừng nhập khẩu thức ăn chứa chất kháng sinh, sử dụng phương án thay thế áp dụng công nghệ mới.
Nhằm đảm bảo việc loại bỏ kháng sinh kích thích sinh trưởng trong thức ăn chăn nuôi, Cục Chăn nuôi cho biết kháng sinh mà doanh nghiệp nhập về đã được cơ quan chức năng quản lý, không được bán nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nhập kháng sinh về làm thuốc thú y phải có phương án sử dụng, chỉ bán ra ngoài là các sản phẩm thuốc, không được bán nguyên liệu. Đây là giải pháp để ngăn chặn tình trạng người chăn nuôi tự ý mua kháng sinh về sử dụng với mục đích kích thích tăng trưởng và hướng tới nền chăn nuôi sạch.