Mật độ nuôi cá đối để tăng năng suất
Thí nghiệm chỉ ra rằng mật độ sẽ ảnh hưởng đến năng suất và tốc độ tăng trưởng của cá đối nuôi.
Cá đối là một trong những loài cá có giá trị dinh dưỡng và giá trị kinh tế cao. Thịt cá đối là một thực phẩm ngon và giàu chất dinh dưỡng. Về thành phần hóa học, trong 100g thịt cá đối có 76g nước, 19,5g protid, 3,3g lipid, 21mg canxi, 224mg photpho, 1mg sắt và nhiều loại vitamin, cung cấp được 111 Kcal. Chất protid của cá đối thuộc loại đạm quí, có nhiều axit amin cần thiết cho cơ thể như lysine, methionine, phenylalanine, threonine, valine, leucine, isoleucine, histidine, tryptophane, arginine. Chất lipid của cá là loại chất béo tốt không gây tăng cholesterol trong máu dẫn đến vữa xơ động mạch và nhiều bệnh tim mạch nguy hiểm như mỡ các động vât khác. Do đó, ăn cá điều độ rất có lợi cho tim mạch. Ngoài ra, trứng cá đối còn là món ăn quí được nhiều người ưa chuộng vì chứa hàm lượng vitamin A, B và E cao, cũng như lipid và protein, là phần có giá trị và bổ dưỡng nhất.
Cá Đối có tên tiếng Anh là Gray Mullet thuộc họ Mugilidae. Cá Đối là loài rộng muối phân bố ở nhiều khu vực nhiệt đới và á nhiệt đới trên thế giới. Cá Đối có thể sống ở biển, cửa sông và cả trong sông nước ngọt. Hiện nay, cá Đối được coi là coi là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế ở các nước thuộc vùng Địa trung hải, Isael, Tuynisia, HongKong, Đài loan do dễ nuôi ghép với các loài khác như cá chép, cá măng và nuôi ghép với tôm sú, tôm thẻ trong các mô hình nuôi quảng canh cải tiến để tăng thêm nguồn thu và cải thiện được môi trường nước.
Các kết quả nghiên cứu về cá Đối ở Việt Nam hiện nay còn rất ít, tất cả tập trung vào phân loại và phân bố. Theo Nguyễn Khắc Hường (1993), nước ta có 13 loài cá Đối, trong đó ở Nam bộ có ít nhất 5 loài: M. cephalus, Liza subviridsis, L. macrolepis, L.vaigiensisvà Valamugil cunnesius. Trong đó loài Liza subviridsis phân bố nhiều ở khu vực Bạc Liêu và đang được phát triển nuôi ở một số khu vực như Bạc Liêu, Cà Mau. Tuy nhiên, nguồn giống nuôi chủ yếu phụ thuộc vào tự nhiên, vì vậy mà phong trào nuôi cá Đối ở khu vực chưa được phát triển mạnh mẽ.
Vì vậy việc nghiên cứu về đặc điểm sinh học đặc biệt là sinh học sinh sản của cá Đối là cần thiết để làm cơ sở cho việc sản xuất giống cũng như nuôi đối tượng này.
Từ cơ sở thành công bước đầu trong sản xuất giống nhân tạo cá đối do Khoa Thủy sản – Trường Đại học Cần Thơ thực hiện, nghiên cứu này là bước tiếp theo nhằm đánh giá ảnh hưởng mật độ nuôi lên sự tăng trưởng và tỉ lệ sống của cá để góp phần xây dựng qui trình sản xuất giống và nuôi cá đối.
Phương pháp nghiên cứu
Thí nghiệm gồm 4 nghiệm thức có mật độ khác nhau là 10, 20, 30 và 40 con/m3 và mỗi nghiệm thức được lặp lại 3 lần. Cá đối là cá sinh sản nhân tạo, có kích cỡ cá ban đầu là 2,12 g/con. Cá được cho thức ăn viên (đạm thô 35%, béo thô 5%, tro 12%, xơ 7% và ẩm 11%). Lượng thức ăn dao động trong khoảng 5-7% khối lượng thân và được chia làm 3 lần/ngày (6 giờ, 12 giờ và 18 giờ). Nước ao được thay định kỳ 2 lần/tháng và mỗi lần 3-5 ngày.
Kết quả
Tăng trưởng khối lượng của cá trong 60 ngày thí nghiệm
Sau 60 ngày nuôi thì cá nuôi mật độ 40 con/m3 có tốc độ tăng trưởng cao nhất (128,3 mg/ngày), kế đến mật độ 30 con/m3 (107,9 mg/ngày) và khác biệt so với các nghiệm thức còn lại. Tốc độ tăng trưởng đặc biệt (1,76 %/ngày) và hệ số tiêu tốn thức ăn (2,07) của cá ở mật độ 40 con/m3 đạt giá trị cao nhất và thấp nhất là nghiệm thức nuôi mật độ 10 con/m3. Tuy nhiên, tăng trưởng về chiều dài và tỉ lệ sống của cá dao động khoảng (80-95%) và không khác biệt giữa các nghiệm thức.
Qua nghiên cứu thấy được nên ương nuôi cá đối ở mật độ 40 con/m3 để đạt được năng suất cao nhất. Sự khác biệt giữa các nghiệm thức là do cá đối có tập tính sống bầy đàn nên khi ương mật độ thấp ảnh hưởng đến khả năng bắt mồi của cá từ đó giảm tăng trưởng, đồng thời sẻ tiêu tốn nhiều thức ăn trong khi cho ăn.