TIN THỦY SẢN

Mặt trái của chiến lược mở rộng nhanh

Chế biến cá tra ở Công ty Cổ Phần Hùng Vương. Nguồn: HVP Nam Minh

Thị trường xuất khẩu thủy sản ổn định có thể sẽ giúp các DN phục hồi sau khi “bước nhầm chân”

Quản trị không theo kịp phát triển

CTCP Hùng Vương tiếp tục thua lỗ. Báo cáo kiểm toán hợp nhất cho thấy trong năm tài chính 2017, DN này lỗ hơn 700 tỷ đồng, trái ngược với khoản lãi 10 tỷ đồng của năm trước đó. Giá cổ phiếu HVG của công ty tiếp tục chìm sâu khi chỉ còn xấp xỉ 7.000 đồng trên sàn Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), giữa lúc chỉ số VN-Index hưng phấn vượt qua mốc 1.000 điểm.

Đáng chú ý là hiện tổng nợ ngắn hạn của công ty đã vượt qua tài sản ngắn hạn, đưa DN đối mặt với những thách thức thanh toán các khoản nợ phải trả trong năm nay. Khó khăn của Công ty Hùng Vương có thể xem là trường hợp điển hình của một DN lớn quá nhanh, thông qua các công cụ mua bán sáp nhập (M&A) cũng như mở rộng sang các lĩnh vực khác ngoài mảng cốt lõi nhưng năng lực quản trị không theo kịp với quy mô.

Còn nhớ trong 2016, tham vọng với những mục tiêu tăng trưởng mới, Công ty Hùng Vương đã thâu tóm 51% cổ phần của Công ty thủy sản Russia Fish để đẩy mạnh xuất khẩu cá basa vào thị trường Viễn Đông (Nga). Trước đó, DN này đã mở rộng ngành hàng khi đầu tư vào mảng chăn nuôi heo, đồng thời thâu tóm luôn hãng thức ăn chăn nuôi Việt Thắng để hoàn thành chuỗi kinh doanh khép kín. Những dự án mới được kỳ vọng sẽ mang đến sức bậc tăng trưởng mới cho công ty ở mức khoảng 40-50%/năm và giúp công ty cán mốc doanh thu tỷ USD.

Chiến lược mở rộng của Công ty Hùng Vương dường như không có gì sai, bởi một DN muốn tồn tại bắt buộc sẽ phải duy trì đà tăng trưởng. Dù vậy, thách thức cho Công ty Hùng Vương là khi bước ra ngoài mảng cốt lõi (cá basa và tôm), năng lực quản trị rủi ro và những dự đoán về diễn biến thị trường lại là những hạn chế lớn, kéo tổng thể công ty đi xuống.

Nếu phân tích sâu hơn trong năm 2017, công ty vẫn ghi nhận lợi nhuận gộp đáng kể: 1.000 tỷ đồng nhờ hoạt động xuất khẩu tăng khá nhưng bù lại, công ty đã phải chi ra hơn 1.800 tỷ đồng cho các khoản lãi vay phải trả và trích lập dự phòng cho các khoản thu khó đòi.

Tất nhiên đó còn là thách thức cạnh tranh mà công ty phải đối mặt trên những ngành hàng mới, khi ở đó nhiều đối thủ hàng đầu là các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã có mặt trên thị trường thức ăn chăn nuôi như CP, Cargill, Green Feeds... hay Masan, CP Food trên thị trường thực phẩm. Đồng thời từ cuối 2016, giá thịt heo lao dốc khi nguồn cung vượt quá nguồn cầu gây lao đao cho nhiều DN chăn nuôi và thức ăn, trong đó có cả Công ty Hùng Vương.

Đối mặt với nhiều thách thức, Công ty Hùng Vương đã quyết định quay đầu. Một số thương vụ về chuyển nhượng tài sản đã được hội đồng quản trị công ty công bố và thực hiện. Theo đó, Công ty Hùng Vương đã chuyển nhượng các dự án bất động sản và thoái hết vốn tại thực phẩm Sao Ta (FMC) để thu về hàng trăm tỷ đồng. Sắp tới đây, Công ty Hùng Vương sẽ sớm hoàn thành thương vụ bán hơn 50% cổ phần tại thức ăn chăn nuôi Việt Thắng, chính thức đưa mảng thức ăn trở thành mảng phụ trong chiến lược kinh doanh các năm tới.

Cơ hội từ thị trường chính

Việc thoái lui khỏi các mảng này có thể là cách làm đúng để giảm gánh nặng và giúp công ty có nguồn lực để tập trung vào các mảng cốt lõi khác mang tính bền vững hơn như cá basa và con tôm. Trong ngành thủy sản Việt Nam, cái tên Hùng Vương vẫn là một thương hiệu hàng đầu và đáng nhận được đánh giá cao hơn từ giới đầu tư, nhất là ngành thủy sản đang trên đà phục hồi sau một năm 2016 đầy gian khó.

Trong năm 2017, toàn ngành đã xuất được 8,34 tỷ USD, tăng 19% so với năm trước đó. Viễn cảnh tăng trưởng dự kiến sẽ duy trì tích cực trong năm nay khi Việt Nam đã mở rộng thêm các thị trường mới như Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil và Philippines, bên cạnh Trung Quốc đang nổi lên trở thành thị trường quan trọng hàng đầu bên cạnh Mỹ và châu Âu. “Con tôm và cá tra mang lại phân nửa giá trị kim ngạch xuất khẩu - khoảng hơn 4 tỷ USD. Nhìn chung năm nay không có những biến động bất thường trong cả sản xuất, khai thác nguồn nguyên liệu lẫn xu hướng thị trường”, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết.

Theo Vasep, năm 2018 xuất khẩu dự kiến tiếp tục tăng trưởng về giá trị nhưng ổn định về lượng so với năm 2017. Do nguồn cung cá tra nguyên liệu tại đồng bằng sông Cửu Long trong năm 2018 dự kiến không tăng nhiều trong khi chi phí giá thành sản xuất cá tra năm 2018 lại tăng mạnh sẽ đẩy giá cá tra xuất khẩu tăng lên. Giá cá tra xuất khẩu năm nay sẽ dao động từ 4-4,5 USD/kg tại các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Brazil...

Rủi ro lớn cho ngành là các thị trường cao cấp như Mỹ, châu Âu có thể ban hành thêm các chính sách mới về chống bán phá giá hay yêu cầu các tiêu chuẩn chất lượng cao hơn, gây khó khăn cho các DN thủy sản.

Điển hình như trong năm 2017, mặc dù nhiều DN phải ngưng xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ vì bị áp thuế chống bán phá giá cao, nhưng vẫn có nhiều DN được hưởng mức thuế thấp. Đây là những DN có hệ thống quản lý tốt, chủ động được nguồn cá tra nguyên liệu. Điều này có thể là hướng đi chủ đạo mà các DN nên học hỏi trong các năm tới.

Thị trường Trung Quốc tuy không đòi hỏi khắt khe nhưng giá bán lại rẻ hơn. Đồng thời, theo các chuyên gia, nếu các DN sản xuất chỉ bám vào thị trường này mà không chú trọng an toàn vệ sinh thực phẩm hay các vấn đề khác thì về lâu dài khó xuất bán cá tra cho nhiều thị trường khác.

Năm 2018, ngành thủy sản đặt mục tiêu phấn đấu đạt mức cao hơn là xuất khẩu 9 tỷ USD. Đây là mục tiêu đầy tham vọng nhưng sẽ cần rất nhiều nỗ lực của các DN trong ngành và điều kiện các thị trường để đạt được.

Nam Minh Thời Báo Ngân Hàng