Minh Phú: Thách thức tính đại chúng
Niêm yết cổ phiếu để gia tăng tính thanh khoản và tăng tính đại chúng cho Công ty, song gần 5 năm kể từ khi lên sàn, hầu hết cổ phiếu MPC của Công tty CP Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú vẫn chỉ do các cổ đông sáng lập của Công ty nắm giữ.
Thậm chí, tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) bất thường cuối tuần qua, Công ty còn dự kiến bỏ ra khoảng 70 tỷ đồng mua lại cổ phiếu của cổ đông nhỏ lẻ.
Sáng 14/12, ĐHCĐ bất thường của Minh Phú được tổ chức với vỏn vẹn 30 người tham dự, sở hữu và đại diện cho 66,44 triệu cổ phần, chiếm tỷ lệ 94,92% tổng số cổ phần của Công ty.
Tại ĐHCĐ, một số cổ đông lớn đặt vấn đề: hiện nay cổ đông thiểu số giao dịch rất ít trên thị trường, nên cổ đông muốn Công ty dùng biện pháp nào đó để mua lại hết số cổ phần này, nhằm làm cho giá cổ phiếu không biến động lớn.
Về đề nghị trên, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết, Minh Phú đang có kế hoạch phát hành 30 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư tổ chức có tiềm năng về tài chính và năng lực có liên quan đến kinh doanh chế biến thủy sản, nhưng do đối tác đưa ra nhiều điều khoản ràng buộc, cộng với tình hình tài chính của Công ty cũng đã khả quan hơn nên việc phát hành có thể chậm lại, để khi phát hành đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho cổ đông của Công ty. Mặt khác,
Công ty sẽ dùng các nguồn tài chính của mình, khoảng 50 - 70 tỷ đồng để mua cổ phiếu của các cổ đông nhỏ, lẻ.
Nếu như thông điệp này được thực hiện, tính thanh khoản của cổ phiếu MPC có khả năng càng thấp hơn nữa, do hầu hết cổ đông lớn gồm gia đình ông Lê Văn Quang và các tổ chức đầu tư không giao dịch cổ phiếu trên thị trường. Mô hình quản trị theo công ty gia đình sẽ tiếp tục duy trì tại doanh nghiệp này, kéo theo tính đại chúng còn giảm.
Một thách thức nữa đối với đại gia thủy sản này là hàng tồn kho. Số liệu của Minh Phú cho thấy, sức mua ở 2 thị trường xuất khẩu chủ lực Mỹ và EU tiếp tục giảm mạnh do ảnh hưởng kéo dài của suy thoái kinh tế và khủng hoảng nợ công.
Ngoài ra, Công ty còn phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các nước xuất khẩu tôm lớn như: Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia, Ecuador…, dẫn đến giá bán tôm giảm mạnh ở 2 thị trường này, đặc biệt là thị trường Mỹ, kéo theo giá tôm ở thị trường Nhật và Hàn Quốc cũng giảm theo.
Đặc biệt, trong nửa cuối năm 2012, một loạt công ty phân phối tôm ở Nhật, Hàn Quốc, châu Âu và Mỹ tuyên bố phá sản hoặc tạm dừng hoạt động, làm các hợp đồng Minh Phú đã ký với họ giờ không giao hàng được, phải thay bao bì và bán cho đơn vị khác, thị trường khác. Trong khi đó, một số công ty đã ký hợp đồng với Minh Phú nhưng giá tôm giảm mạnh, họ nhận hàng về bán sẽ bị lỗ nặng nên họ chần chừ không chịu nhận hàng, buộc Minh Phú phải giảm giá để chia sẻ khó khăn với đối tác.
Mặt khác, một số công ty hiện không có tiền để mở L/C yêu cầu Minh Phú cứ xuất hàng cho họ bán, sau khi bán được, họ mới trả tiền. Làm như vậy thì quá rủi ro nên Minh Phú không chấp nhận, khiến hàng tồn kho tăng cao. Diễn biến này buộc Công ty phải thay bao bì bán cho đơn vị khác với giá thấp hơn.
Trong khi đó, năm 2012, khả năng đóng góp lợi nhuận từ các vùng nuôi tôm của Minh Phú rất khiêm tốn. Do ảnh hưởng gia tăng và kéo dài của dịch bệnh hội chứng chết sớm của tôm ở Việt Nam cũng như các nước trên thế giới, làm cho nguồn cung nguyên liệu khan hiếm, dẫn đến giá tôm nguyên liệu tăng cao trong khi giá bán không thể tăng tương ứng.
Cũng do sự bùng phát và gia tăng của dịch bệnh, hoạt động nuôi tôm của Minh Phú bị ảnh hưởng nặng nề, dẫn đến các vùng nuôi không có đóng góp vào lợi nhuận chung của cả Tập đoàn.
Trong quý IV/2012, theo ông Lê Văn Quang, Minh Phú sẽ đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường chủ lực để đáp ứng nhu cầu cho mùa tiêu thụ Giáng sinh và năm mới, cùng với việc lãi suất ngân hàng giảm sẽ giúp Công ty cải thiện kết quả hoạt động kinh doanh và lợi nhuận.
Trong tháng 10, Minh Phú đã xuất khẩu được 33,8 triệu USD, tháng 11 xuất được 35,3 triệu USD. Lũy kế 11 tháng, Công ty xuất khẩu được 337,72 triệu USD, tăng 13,79% so với cùng kỳ năm 2011. Song đến thời điểm này, có thể dự đoán Minh Phú sẽ không thể về đích kế hoạch năm.
Được biết, ĐHCĐ bất thường của MPC đã thông qua phương án chia cổ tức 25%, thực hiện ngay trong năm 2012. Lý do được lãnh đạo Công ty chia sẻ: các cổ đông, đặc biệt là các cổ đông nhỏ, đã gọi điện rất nhiều tới Công ty để hỏi tại sao có lợi nhuận lại không chia cổ tức. Thời điểm này thị trường khó khăn, cổ đông chỉ trông mong vào cổ tức.
Năm 2010, 2011, Minh Phú chưa chia cổ tức. Lợi nhuận chưa phân phối của Công ty tính đến hết ngày 30/9/2012 là 577,35 tỷ đồng.