Mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn
Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, tình trạng thực phẩm bẩn, sử dụng chất cấm tràn lan đang gây bức xúc trong xã hội. Trước thực trạng này, Bộ NN&PTNT thí điểm triển khai xây dựng các chuỗi liên kết cấp xác nhận sản phẩm an toàn cho các cơ sở bày bán sản phẩm nông sản, thực phẩm. Ở Sóc Trăng, trong lĩnh vực thủy sản, bước đầu các mô hình này đã cho kết quả khả quan.
Gần đây các phương tiện thông tin liên tục đưa tin các vụ việc về ATTP. Tình hình này rất cần các cơ sở sản xuất kinh doanh hàng hóa phải rõ nguồn gốc xuất xứ, phải được quản lý theo mô hình khép kín từ trang trại đến bàn ăn. Ở Việt Nam, số lượng các điểm bán thực phẩm được xác nhận an toàn còn rất thấp. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, cả nước có 280 chuỗi cung ứng nông sản tại 35 tỉnh thành và 69 địa chỉ xác nhận sản phẩm an toàn theo chuỗi của các cơ sở kinh doanh nông sản, thực phẩm.
Ở Sóc Trăng, thực hiện hợp đồng tham gia một số hoạt động thuộc Hợp phần B – Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững tỉnh Sóc Trăng, từ năm 2015, Chi Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã thực hiện các hoạt động nhằm xây dựng chuỗi cung cấp sản phẩm thủy sản đa dạng, liên kết giữa người nuôi với thị trường. Từ khi triển khai được các chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, hiệu quả đạt được bước đầu rất khả quan và nhận được tín hiệu tốt từ phía nhà cung ứng nguyên liệu đến người tiêu dùng. Bà Huỳnh Thị Kiều, Phó Phòng QLCL, Chi Cục QLCL NLS và thủy sản tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đang triển khai thí điểm mô hình chuỗi, cung cấp các điểm kinh doanh xác nhận sản phẩm an toàn. Mô hình này phải được quản lý chất lượng tất cả các khâu từ nuôi trồng, khai thác, vận chuyển, đánh bắt, sơ chế và chế biến… theo một quy trình khép kín từ trang trại đến bàn ăn. Lợi ích của việc tham gia mô hình chuỗi là có thể kiểm soát được chất lượng sản phẩm đảm bảo an toàn, truy xuất được nguồn gốc, xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm”.
Khi chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ hình thành, ngoài người tiêu dùng nhận được lợi ích, thì người sản xuất kinh doanh cũng được đảm bảo đầu ra, tăng sản lượng và giá trị sản phẩm, ổn định sản xuất kinh doanh. Anh Võ Điền Trung Dũng, chuyên cung ứng cá Chẽm ở xã Liêu Tú, huyện Trần Đề, cho biết: “Tôi thấy khi tham gia mô hình chuỗi an toàn thực phẩm có lợi ích rất thiết thực như: Bạn hàng rất an tâm và tin tưởng khi tiêu thụ sản phẩm của mình cung cấp, tạo được đầu ra ổn định. Giúp người nuôi ổn định sản xuất, còn nguồn thức ăn thì ký hợp đồng tiêu thụ trực tiếp với nhà máy, không phải qua trung gian nên giá thành cũng giảm hơn”.
Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, hoạt động nuôi tôm đã dần hình thành theo chuỗi, tuy việc liên kết chuỗi chưa thực sự chặt chẽ và bền vững, nhưng tạo được sự đột phá mới, nâng cao trình độ sản xuất và thu nhập cho người nuôi vùng trọng điểm. Ông Mã Chí Thọ, Chủ tịch UBND xã Hòa Đông, nhận xét: “Tham gia mô hình chuỗi an toàn, bà con nuôi trồng thuỷ sản ở xã thấy an tâm hơn. Ngoài ra trong quá trình thực hiện, nếu bên nào có vướng mắc khó khăn thì các bên sẽ cùng nguồi lại trao đổi thống nhất, để làm sao sản phẩm bán ra có được thương hiệu, nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng”.
Mô hình nuôi cá Chẽm theo hướng an toàn - khép kín.
Thực tế cho thấy trong sản xuất hiện nay, khâu kết nối theo chuỗi vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn. Vì để triển khai hiệu quả mô hình này, cần phải tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ, từ khâu nuôi trồng, canh tác đến thu hoạch và chế biến, tiêu thụ. Về phía nông dân, nếu cứ sản xuất nhỏ lẻ thì sẽ không thể kiểm soát được vệ sinh ATTP một cách tốt nhất, cần tổ chức các mô hình, THT và HTX. Với các doanh nghiệp, việc tham gia còn thiếu chặt chẽ. Có những chuỗi sản phẩm doanh nghiệp chỉ tham gia ở khâu cung ứng đầu vào, thiếu đơn vị đứng ra bao tiêu, chế biến, bảo quản và vận chuyển, dẫn đến sản phẩm nông dân làm ra đảm bảo an toàn, nhưng trong khâu vận chuyển, tiêu thụ chưa đảm bảo, khiến sản phẩm cuối cùng đến tay người tiêu dùng chất lượng không đảm bảo. Do đó để mô hình chuỗi được kiện toàn và mở rộng, chỉ có hình thức xã hội hóa các mắc xích trong chuỗi. Đồng thời việc hình thành mới các chuỗi liên kết cần dựa vào các tiêu chí căn bản, cụ thể: Bà Huỳnh Thị Kiều, Phó Phòng QLCL, Chi Cục QLCL NLS và thủy sản tỉnh Sóc Trăng, cho biết thêm: “Mô hình chuỗi an toàn có một số tiêu chí, như: Tác nhân phải đảm bảo đầy đủ nuôi trồng, thu mua, sơ chế, chế biến, kinh doanh kể cả xuất khẩu. Các tác nhân tham gia phải có sự liên kết ổn định và phải tuân thủ đầy đủ các khâu về an toàn thực phẩm”.
Dù sản xuất chuỗi thực phẩm an toàn là mô hình mới và trong thực hiện còn nhiều khó khăn, nhưng việc có thêm các chuỗi và địa chỉ cung ứng nông sản thực phẩm an toàn là xu hướng tiêu dùng hiện đại và là nhu cầu tất yếu của người dân. Để làm được điều này, rất cần sự đồng bộ trong triển khai thực hiện của các Bộ, ngành liên quan, để người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng thực phẩm.