Mô hình nuôi cá mú tiêu đen ở Cần Giờ
Nhằm phát huy thế mạnh trong nuôi trồng thủy sản và đa dạng hóa đối tượng thủy sản tại 3 xã phía Nam, huyện Cần Giờ (Long Hòa, Cần Thạnh, Lý Nhơn), nông dân ở đây đã tận dụng diện tích mặt nước đầm ao và khuôn trải bạc nuôi nghêu giống không đạt hiệu quả để nuôi thủy sản có giá trị kinh tế cao. Trong đó cá Mú là đối tượng dễ nuôi, chi phí đầu tư không lớn, đặc biệt điều kiện sinh thái ở các xã trên, thích nghi với sự tăng trưởng và phát triển của cá mú.
Phòng kinh tế Huyện Cần giờ phối hợp cùng Trạm Khuyến Nông huyện đã thí điểm mô hình nuôi cá mú tiêu đen (Epinephelus bleekeri (Vaillant) trong ao đất, từ nguồn vốn của Phòng Kinh tế. Theo đó, Phòng Kinh Tế huyện đã đầu tư 2.000 con giống cho 2 hộ nông dân ở Xã Long Hòa, mô hình phát triển tốt và có triển vọng nhân rộng cao từ mô hình này. Đây là mô hình mở ra hướng phát triển sản xuất mới và đa dạng thêm đối tượng nuôi cho nông dân địa phương.
Ngày 21/07/2016, Phòng Kinh tế huyện Cần Giờ, đã tiến hành thả giống cá Mú với quy mô 2hộ/2.000m2 tại Xã Long Hòa, huyện Cần Giờ. Bởi đây là một trong những xã có các yếu tố môi trường thích hợp với việc triển khai mô hình cá mú phát triển như tỷ lệ tăng trọng nhanh pH từ 7,5 ÷ 8.0, độ mặn 12 ÷ 22 ‰, độ kiềm trung bình 90 (CaCO3 Mg/l), độ trong 35 – 40 cm, với mật độ 1con/m2, số lượng giống thả 2.000 con thức ăn sử dụng nguyên liêu cá tạp.
Sau 01 năm triển khai mô hình, 7/2017 Phòng kinh tế huyện Phối hợp với Trạm Khuyến Nông huyện tiến hành tổng kết mô hình với sự tham gia của đại diện UBND Xã Long Hòa. Kết quả mô hình rất khả quan với tỷ lệ cá sống 70%, mật độ nuôi 01con/m2, trọng lượng bình quân ccủa cá từ 800g–1.200g/con, với giá bán trung bình 220.000 - 240.000đ/kg, lợi nhuận bình quân thu được từ 70 triệu đồng/2.000m2 .
Với những con số cụ thể đó cho thấy, mô hình đạt kết quả rất khả quan và mang lại hiệu quả kinh tế đáng khích lệ. Hy vọng từ đây sẽ giúp người dân phát triển mô hình nuôi cá mú theo hướng tăng năng suất, đạt hiệu quả kinh tế cao, đồng thời góp phần cho người dân Xã Long Hòa tạo thêm việc làm và tận dụng được tiềm năng mặt nước sản xuất không hiệu quả để nuôi cá mú.
Ông Nguyễn Văn Phằng - Phó Phòng Kinh tế huyện nhận định: bước đầu mô hình thử nghiệm đạt tỷ lệ sống 70%, mang lại hiệu quả về mặt tinh thần lẫn vật chất cho bà con nông dân Xã Long Hòa, góp phần tích cực vào việc xây dựng xã nông thôn mới và phát triển ngành du lịch vùng ven biển Cần Giờ. Mô hình sẽ được lan tỏa và nhân rộng trong nghề nuôi thủy sản theo hướng an toàn bền vững môi trường trong thời gian tới tại 3 xã phía nam Huyện Cần Giờ.