Mô hình trồng rau nuôi cá đầu tư ít vẫn thu hàng trăm triệu/năm
Không cần đầu tư lớn như các trang trại khác, nhưng mô hình của ông Phạm Văn Quang (sinh năm 1963) ở tổ 2, khu phố Hải Dinh, phường Kinh Dinh, TP. Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lại cho hiệu quả kinh tế cao. Chỉ trồng hai cây là cây rau kinh giới, tía tô và nuôi con cá lóc mà mỗi năm gia đình ông thu lãi hơn hai trăm triệu đồng.
Ông Quang chia sẻ: Trồng rau theo cách truyền thống bao năm vất vả mà vẫn nghèo. Trong một lần đọc báo thấy có mô hình kết hợp trồng rau và nuôi cá theo chu trình khép kín ở quy mô hộ gia đình, biết được nước thải nuôi cá có hàm lượng dinh dưỡng cao, dễ hấp thu đối với cây trồng nhất là các loài rau, tôi nghĩ ngay đến việc sử dụng nước thải nuôi cá tưới cho cây rau. Năm 2016, sau khi tham quan các mô hình nuôi cá lóc trong bể xây, tôi quyết định sử dụng 200 m2 đất trên tổng diện tích 2.000m2 đất trồng rau để xây trại nuôi cá lóc. Diện tích còn lại tôi chỉ trồng rau tía tô và rau kinh giới.
Được biết, với diện tích 200 m2, ông xây 5 bể nuôi và một bể cấp. Mỗi đợt ông Quang chọn mua 12.000 con giống cá lóc đen, có chất lượng tốt về thả nuôi. Thời gian nuôi khoảng từ 7 - 8 tháng, cá đạt trọng lượng từ 0,8 – 1 kg/con, ông xuất bán khoảng 7 tấn cá thịt cho thương lái với giá trung bình 40.000 đồng/kg.
Chia sẻ về kinh nghiệm trồng rau, nuôi cá, ông Quang cho biết: Nuôi cá lóc trong bể xây có lưới che quanh bể để tránh cá nhảy ra ngoài; sử dụng thức ăn viên có hàm lượng đạm trên 40%; độ sâu của nước khoảng 50 cm; chú ý thay nước hàng ngày, lượng nước thay tùy theo giai đoạn phát triển của cá cũng như môi trường nuôi. Lượng nước thải được đưa về một bể chứa lắng đặt ở giữa vườn rau. Hàng ngày sử dụng lượng nước này bơm tưới cho cây qua hệ thống tưới phun tự động.
Đối với việc trồng rau kinh giới và rau tía tô, đất trồng phải được cày xới cho tơi xốp, dùng phân hữu cơ ủ hoai trộn đều với đất sau đó chọn cây giống cao 10 cm đem trồng. Trước đây gia đình trồng rất nhiều loại rau cũng làm đất theo phương pháp này nhưng sử dụng phân hóa học để bón thúc cho cây. Phương thức canh tác này nhiều người làm nhưng giá trị kinh tế không cao, nên việc tiêu thụ rất khó, giá cả bấp bênh, luôn bị thương lái ép giá. Nay nhờ chuyển đổi cách canh tác theo hướng hữu cơ, không sử dụng phân hóa học để bón thúc mà sử dụng chất dinh dưỡng có trong nước thải nuôi cá để tưới cho cây nên sản phẩm tiêu thụ dễ dàng hơn trước. “Với hai loại cây rau này, trước đây sử dụng phân hóa học bón thúc, thời gian từ lúc cấy cây giống 4 lá đến lúc thu hoạch phải mất 35 ngày nhưng nay chỉ mất khoảng 30 ngày” ông Quang nói.
Với một máy bơm được gắn cố định tại bể chứa nước thải nuôi cá, hệ thống ống dẫn nước thiết kế một cách hợp lý, áp dụng phương pháp tưới phun tự động mà việc trồng rau của ông trở nên dễ dàng hơn. Sử dụng nguồn nước thải của cá với nhiều dưỡng chất tưới cho cây đã rút ngắn thời gian trồng, tiết kiệm được chi phí mua phân bón thúc, giảm hàm lượng nitrat và kim loại nặng, rau thu hoạch luôn được thị trường ưa chuộng, có giá ổn định mà không phải lo đầu ra.
“Giá rau tía tô và rau kinh giới bán tại vườn trung bình khoảng 7.000 đồng/kg, mỗi tháng thu hoạch một lần, thu và trồng luân canh liên tục, mỗi một năm vườn nhà tôi thu được khoảng 36 tấn rau. Cùng với nguồn thu từ cá thịt, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình thu lãi trên hai trăm triệu đồng”.