Mối quan hệ giữa kích thước tôm thẻ và mức tiêu thụ Bioflocs
Việc tiêu thụ các vi sinh vật sinh học (bioflocs) có quan hệ tích cực với kích thước tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên, mức độ tiêu thụ bioflocs không giống nhau đối với tất cả các giai đoạn phát triên của tôm thẻ.
Công nghệ sinh học biofloc (BFT) được coi là một trong những phương pháp hứa hẹn nhất cho sự phát triển bền vững của ngành nuôi tôm thâm canh vì hệ thống này không chỉ giúp duy trì chất lượng nước ở tiêu chuẩn tốt mà còn là nguồn sinh khối vi sinh vật cung cấp như thức ăn bổ sung cho phép sản xuất tôm nuôi ở mật độ cao mà không cần hoặc hạn chế tối thiểu việc thay nước liên tục giúp giảm thiểu tác động đến môi trường và nâng cao an toàn sinh học trong canh tác bằng cách hạn chế sự xâm nhập và lây lan của dịch bệnh.
Dựa vào việc điều chỉnh tỷ lệ cacbon/nitơ, vi khuẩn dị dưỡng có trong bioflocs có khả năng đồng hóa nitơ vô cơ từ nguồn bổ sung cacbon hữu cơ. Các vi sinh vật có trong hệ thống là nguồn cung cấp chất béo và protein quan trọng; tuy nhiên, các quan sát trong phòng thí nghiệm đã chỉ ra rằng mức độ tiêu thụ bioflocs không giống nhau đối với tất cả các giai đoạn của tôm, hơn nữa còn có sự thay đổi tùy theo thời gian ương nuôi. Do đó, các nhà nghiên cứu đã thiết lập giả thuyết rằng có mối liên quan mật thiết giữa mức độ tiêu thụ các vi sinh vật sinh học (bioflocs) với kích thước của tôm nuôi, đồng thời việc nắm rõ có bao nhiêu sinh khối vi sinh vật có thể được hấp thụ vào cơ, mô, thịt của tôm là điều hết sức cần thiết.
Bioflocs là nguồn là nguồn cung cấp chất béo và protein quan trọng. Ảnh: Tepbac.
Trong nghiên cứu này, cả hai thí nghiệm đo mức tiêu thụ vi sinh vật sinh học (bioflocs) của tôm thẻ chân trắng (L. vannamei) với kích thước lần lượt là 0,01g, mật độ thả 2000 con/m3 trong giai đoạn ương (40 ngày) và 0,80g, mật độ thả 400 con/m3 trong giai đoạn nuôi thương phẩm (60 ngày). Mật mía được bổ sung để điều chỉnh tỷ lệ C: N duy trì đạt 6:1.
Kết quả phân tích chỉ ra rằng có mối quan hệ tích cực giữa kích thước tôm thẻ chân trắng và việc tiêu thụ các vi sinh vật sinh học (bioflocs). Bioflocs đóng góp 22 – 43% C và 0 – 43% N trong thành phần dinh dưỡng của thịt tôm ở giai đoạn ương (0,01g), trong khi ở giai đoạn nuôi thương phẩm (0,80g), sự đóng góp của bioflocs thay đổi từ 63 - 100% C và 35–86% N. Trong nghiên cứu này, thật khó tin khi thấy rằng hoạt động của vi khuẩn nitrat hóa luôn được duy trì ở mức độ tốt trong suốt thời gian tiến hành cả hai thí nghiệm. Ngoài ra, sự khác biệt về độ phong phú của các loài tảo cũng chỉ ra rằng có sự ưu tiên tiêu thụ vi sinh vật bởi tôm có kích cỡ lớn hơn. Vì vậy, kết quả của nghiên cứu này đã chứng thực giả thuyết rằng sự tiêu thụ của các vi sinh vật sinh học (bioflocs) như một nguồn thức ăn tự nhiên bổ sung phụ thuộc vào kích thước của tôm.
Công nghệ bioflocs có thể được sử dụng để làm giảm nồng độ amoni, một hợp chất nitơ độc hại, bằng cách kích thích sự phát triển của cộng đồng vi khuẩn dị dưỡng. Khi nồng độ amoni đạt đến mức độ cao và nguy hiểm, việc bổ sung một nguồn carbon, chẳng hạn như mật mía, cho phép sự phát triển của vi khuẩn dị dưỡng kết hợp amoni vào sinh khối của chúng dưới dạng protein. Tuy nhiên, tốc độ hình thành bioflocs không chỉ liên quan đến nguồn cacbon bổ sung (mật mía) mà còn liên quan đến loại sục khí được sử dụng.
Sự tiêu thụ của các vi sinh vật sinh học (bioflocs) như một nguồn thức ăn tự nhiên bổ sung phụ thuộc vào kích thước của tôm. Ảnh: Tepbac
Bên cạnh vai trò là một nguồn thức ăn bổ sung, bioflocs còn có những tác động ở các khía cạnh khác liên quan đến sức khỏe của tôm như khả năng chống chịu bệnh tật. Trong hệ thống, luôn có sự tồn tại của cộng đồng các vi sinh vật khác nhau như vi khuẩn lam và trùng roi, cạnh tranh tự nhiên của các loài này có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và tỷ lệ sống của tôm, thay đổi các thông số chất lượng nước, chất dinh dưỡng ảnh hưởng đến năng suất cũng như ưu thế của các nhóm vi sinh vật có lợi.
Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng việc tiêu thụ vi sinh vật và màng sinh học của chúng (vi khuẩn và động vật nguyên sinh) có trong bioflocs là nguồn cung cấp protein và lipid quan trọng góp phần làm giảm tỷ lệ chuyển hóa thức ăn (FCR) đáng kể giúp cải thiện rõ rệt về chi phí sản xuất. Trong quá trình ương nuôi tôm thẻ chân trắng (L. vannamei) ở các giai đoạn khác nhau, có thể quan sát được rằng các cá thể tôm lớn hơn dành nhiều thời gian để lựa chọn các vi sinh vật (thức ăn) ưa thích hơn. Mặt khác, tôm có kích thước nhỏ đôi khi không thể tương tác nhiều với vi sinh vật sinh học (bioflocs) dẫn đến khó có thể tiêu thụ cũng như tăng trưởng kém hơn.
Nhìn chung, kết quả từ nghiên cứu trên đã đóng góp thông tin quan trọng trong việc quản lý tốt hơn các loại thức ăn tự nhiên và nhân tạo cũng như sản xuất thâm canh tôm thẻ chân trắng khi sử dụng công nghệ bioflocs.