TIN THỦY SẢN

Môi trường ao nuôi cá

DUY NHỨT

Phần lớn cá được nuôi trong các ao đơn giản nếu có thay nước thì cũng chỉ ở mức độ giới hạn. Sự thay đổi về năng suất cá nuôi (50 – 13.000 kg/ha/năm), ghi nhận được từ những hệ thống nuôi này phản ánh sự khác nhau về đối tượng nuôi, về điều kiện cụ thể tại chỗ và về mức độ quản lý.

Ao lắng nước trong nuôi cá tra cũng là cần thiết.

Việc thay đổi nước có giới hạn đã tạo nên một nguồn dinh dưỡng tốt thúc đẩy sự phát triển của thức ăn tự nhiên, nhất là khi có dùng thêm phân bón, phân chuồng hay chất thải. Khi đó, thức ăn tự nhiên trong ao có thể đạt tới mức vượt xa lượng thức ăn có được ở hầu hết các ao tự nhiên, do đó có thể cải thiện được năng suất cá mà không cần tới thức ăn tốn kém. Sự thúc đẩy thức ăn tự nhiên có thể dựa vào mọi nguồn dưỡng chất và có thể được dùng riêng lẻ hay kết hợp. Những ao nuôi này cực kỳ linh hoạt và rất thích hợp để tiếp nhận những khối lượng vật chất khác nhau có được trong các hệ thống canh tác kết hợp. Nguyên lý cơ bản của việc nuôi cá ao là dưỡng chất hòa tan trong nước và năng lượng lượng mặt trời chuyển hóa thành vật chất tế bào hữu ích để cá sử dụng.

Nước xanh phú dưỡng là dạng điển hình của các ao nuôi bón phân vùng nước ấm. Đó cũng là dấu hiệu đơn giản và rõ ràng nhất cho biết cơ sở sinh vật thức ăn tự nhiên trong ao rất tốt, và năng suất cá nuôi thường cao hơn so với các ao tự nhiên khác. Thực vậy, với chất lượng thức ăn tự nhiên như vậy năng suất cá nuôi có thể đạt hoặc vượt năng suất cá nuôi ở các ao truyền thống.

Tảo hay thực vật phù du là dạng thức ăn tự nhiên căn bản và rõ ràng nhất trong các ao có bón phân. Bằng phương thức quang hợp, tảo hấp thu dinh dưỡng trong nước tạo nên dạng thức ăn mà cá ăn phù du có thể ăn được. Vì vậy, sản lượng liên quan đến cả dưỡng chất lẫn năng lượng ánh sáng mặt trời. Các ao cá vùng nhiệt đới nhận được nhiều ánh sáng hơn, tạo nên sự cân bằng cơ bản giữa các chủng quần thực vật và động vật và tạo nên nền tảng cho mọi mối quan hệ về dinh dưỡng. Phương thức tạo ra thức ăn từ năng lượng mặt trời như vậy thường được gọi là phương thức tự dưỡng. Bên cạnh đó, tảo cần thiết trong việc tạo ra oxy trong ao. Phương thức căn bản thứ hai, phương thức dị dưỡng, dựa vào sự phân rã xác động thực vật chết nhờ vi khuẩn trong nước. Tới một mức nào đó, sự gia tăng dưỡng chất sẽ làm tăng sản lượng tảo, vi khuẩn và động vật phù du và hệ quả là sản lượng các loài sử dụng chúng tăng lên.

Lượng và loại sinh vật thức ăn trong ao xác định tiềm năng năng suất. Năng suất thực tế còn phụ thuộc vào loại và số lượng cá thả, vì những loài khác nhau sẽ ăn những sinh vật thức ăn khác nhau, thay đổi từ tảo cho tới các loài thực vật lớn, động vật phù du, vi khuẩn, và mùn bã hữu cơ. Trong hầu hết các trường hợp, nền tảng của năng suất luôn là sản lượng tảo tự dưỡng bị hạn chế bởi ánh sáng mặt trời mặc dù ở những ao bón nhiều phân chuồng, việc sử dụng chất thải theo phương thức dị dưỡng của vi khuẩn và nguyên sinh động vật có lẽ cũng rất quan trọng. Trong mọi trường hợp, mục tiêu cơ bản của việc vận hành ao nuôi một cách thành công là quản lý được các loại thức ăn khác nhau trong ao để tạo điều kiện tối đa cho cá sử dụng và tăng trưởng; đồng thời cũng tối đa hóa sự hấp thu vật chất thải và sự biến đổi của chúng thành các loại sản phẩm ổn định và hữu dụng.

Thuật ngữ “hộp cải biến nhiệt năng” được đặt ra để ám chỉ các ao nuôi cá có bón phân ở các vùng nước ấm và sự tương tác của các quá trình xảy ra trong đó. Sự duy trì mối cân bằng động giữa các vi sinh vật trong ao có thể đạt được thông qua việc thả nuôi các loài khác nhau, giúp sử dụng đầy đủ nhất là không gian cũng nhưu cơ sở thức ăn tự nhiên đa dạng của ao. Trong thực tế, cá nuôi hầu hết là những loài có thể sử dụng các vi sinh vật bậc thấp trong chuỗi thức ăn của cơ sở thức ăn tự nhiên được mô tả hơn là những loài cá dữ ăn mồi sống.

Cá cần có đủ dưỡng khí cũng như thức ăn để tăng trưởng một cách ổn định và khỏe mạnh. Ở những ao được quản lý tốt, luôn luôn có đủ dưỡng khí để duy trì nhu cầu biến dưỡng của cơ sở thức ăn, kể cả đối tượng nuôi. Điều cần thiết để quản lý ao nuôi một cách hiệu quả và sử dụng tốt các nguồn nguyên liệu trong mô hình canh tác kết hợp là phải hiểu rõ chu trình dưỡng chất và thức ăn trong ao đã được vận hành thế nào và tương tác với nhau ra sao.

David Little và James Muir, 1987
Trích từ Hướng Dẫn Nuôi Thủy Sản Kết Hợp ở Vùng Nước Ấm
Đại học Stirling, Viện Nuôi Trồng Thủy Sản Ấn Hành

DUY NHỨT