Một con cá chết khiến giới khoa học bàng hoàng
Cái chết của một con cá nhỏ bé, “có tay” đã khiến giới khoa học thế giới bàng hoàng và hiểu được rằng, đại dương không hề rộng lớn như con người từng lầm tưởng.
Ngày 21.10, The Guardian đưa tin, cá tay trơn – loài cá đặc biệt của đại dương – đã chính thức tuyệt chủng.
Đây là loài cá biển đầu tiên trên thế giới được công bố là tuyệt chủng trong thời hiện đại. Tin tức này khiến cả đại dương “chấn động” và ngoài kia, còn bao nhiêu loài cá đã tuyệt chủng mà con người không biết, theo The Guardian.
Năm 1802, nhà tự nhiên học người Pháp Francois Peron đã bắt một con cá tay trơn ở biển Úc và bỏ vào lọ nhỏ. Ít ai người rằng, đó là con cá tay trơn đầu tiên được con người biết tới.
Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đã chính thức tuyên bố sự tuyệt chủng của cá tay trơn – loài cá đặc biệt “đi bộ” dưới đáy biển nhanh hơn bơi.
Cá tay trơn nhìn có vẻ “cáu kỉnh” nhưng chúng rất dễ bị tổn thương và không thể sống sót trong môi trường nuôi nhốt. Cấu tạo của chúng rất khó hiểu khi có vây ngực để “đi bộ” dưới đáy biển. Các nhà khoa học vẫn chưa có điều kiện để nghiên cứu những bí ẩn về loài cá này thì chúng đã tuyệt chủng.
Theo các chuyên gia, việc đánh bắt quá mức, ô nhiễm môi trường biển là nguyên nhân khiến loài cá tay trơn tuyệt chủng, kể cả khi được đưa vào danh sách bảo tồn cực kỳ nguy cấp.
“Giới khoa học thế giới hoàn toàn bất ngờ vì không ai có bất kỳ mẫu vật cá tay trơn sống nào để nghiên cứu. Chúng ta buộc phải tìm hiểu về loài cá này từ những ghi chép của nhà tự nhiên học người Pháp Francois Peron, viết vào đầu những năm 1800”, Graham Edgar – chuyên gia sinh vật biển tại IUCN – cho biết.
“Cả thế giới đều mong mỏi tìm thấy một vài cá thể hoặc quần thể cá tay trơn để bảo vệ chúng và nghiên cứu. Tuy nhiên, đại dương không hề rộng lớn và phong phú như chúng ta nghĩ. Con người đến bao giờ mới thay đổi cách nghĩ vô cảm về đại dương?”, chuyên gia Edgar đặt vấn đề.
“Có thể cá tay trơn đã tuyệt chủng từ hàng chục năm nay rồi”, ông Edgar tỏ ra tiếc nuối.