TIN THỦY SẢN

Một nông dân đam mê nghề nuôi cá

Mô hình nuôi thủy sản của gia đình ông Đặng Văn Được (xóm Đình, xã Văn Khúc, huyện Cẩm Khê) cho thu nhập cao, giúp cải thiện đời sống, từng bước làm giàu. Hà Khánh

Xã Văn Khúc (huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) cuối năm như nhộn nhịp hơn bởi những câu chuyện về nghề nuôi trồng thủy sản khi mà nhiều hộ gia đình đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch. Nhân vật chính trong những câu chuyện đó phải kể đến một người đam mê với nghề nuôi thủy sản - đó là ông Đặng Văn Được ở xóm Đình.

Xuất thân trong một gia đình nông dân, cả đời ông Được đã gắn bó với ruộng vườn quê nhà và từ khi còn trẻ ông đã nuôi ý chí thoát nghèo trên chính đồng đất quê mình. Trước kia, nước ngập ruộng trong, người nông dân bỏ công trồng lúa nhưng hiệu quả không cao, nghèo đói vẫn cứ đeo bám. Quyết tìm cách thoát nghèo, biến khó thành dễ, ông đã suy nghĩ, tìm tòi, học hỏi nghề nuôi cá để áp dụng trên chính mảnh ruộng trũng nước quê mình.

Năm 2000 ông Được đã bắt tay vào đào ao, đắp bờ ngăn nước để nuôi cá. Từ đôi bàn tay, khối óc, với bao mồ hôi công sức, sau nhiều năm ông Được mới có một quy mô ao nuôi thủy sản rộng 1,6ha như hiện nay. 15 năm gắn bó với nghề nuôi thủy sản với bao khó khăn vất vả về vốn, kiến thức, song ông Được vẫn trụ vững trên con đường sản xuất - kinh doanh mình đã chọn. Ông Được cho biết: “Làm nghề gì cũng vậy, sự kiên trì và chịu khó học hỏi vẫn luôn là những yếu tố hàng đầu, mỗi lần thất bại lại chính là lý do để tôi thành công trong lần sau. Cứ như vậy, 15 năm tích lũy kinh nghiệm, đến nay tôi hoàn toàn tự tin và yên tâm với nghề nuôi tôm, cá”.

Vừa bơi thuyền thả thức ăn cho cá trên mặt nước rộng mênh mông gợn sóng, ông Được vừa phấn khởi nói về nghề mà ông đam mê, nhất là vào dịp cuối năm chuẩn bị vào mùa thu hoạch cá… Trong số 1,6ha diện tích mặt ao, ông dành 1ha nuôi các loại cá truyền thống, còn lại 0,6ha ông nuôi tôm càng xanh - đây là một loại thủy sản có giá trị kinh tế cao nhưng khó nuôi thả. Dù nuôi tôm đã thất bại một lần từ năm 2004, ông tạm dừng nuôi tôm để nghiên cứu, tham khảo, tìm hiểu nguyên nhân, đồng thời tham gia các lớp tập huấn và đến năm 2009 ông lại tiếp tục nuôi loại thủy sản này sau khi đã tìm ra nguyên nhân và biết cách phòng chống dịch bệnh. Từ đó đến nay, cùng với duy trì nuôi các loại cá truyền thống, ông Được yên tâm đầu tư nuôi cả tôm càng xanh. Ông cho biết, nuôi cá truyền thống giá trị kinh tế không cao bằng các loại cá chất lượng cao nhưng thị trường dễ tiêu thụ nên lượng cá ông xuất bán vẫn nhiều, ổn định và có lãi. Còn với tôm càng xanh, tuy thời gian sinh trưởng ngắn từ 5 - 7 tháng cho thu hoạch, nhưng kỹ thuật nuôi rất khó, nhất là nhiệt độ của nước cần phải ấm và môi trường nước cần được cải thiện để tránh vi khuẩn xâm nhập gây dịch bệnh cho tôm. Được biết, hiện nay, mỗi năm gia đình ông thu hoạch 1 vụ cá, với sản lượng khoảng 5 tấn, trừ chi phí còn lãi 150 triệu/năm và 1 tấn tôm càng xanh bán với giá từ 300 - 400.000/kg.

Nhờ nuôi tôm cá, gia đình ông Được đã lo cho 3 con học đại học và xây được ngôi nhà 8 gian khang trang. Đời sống của gia đình ông không những thoát nghèo mà còn từng bước vươn lên làm giàu. Thành công của ông có được là nhờ sự kiên trì, đam mê, tâm huyết với nghề và ý chí thoát nghèo. Thành công từ mô hình nuôi trồng thủy sản của ông Được gợi nên những ý tưởng trong đầu tư, phát triển sản xuất - kinh doanh cho nhiều người nông dân học tập, giúp bà con xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống, làm giàu cho quê hương.

Hà Khánh Báo Phú Thọ, 18/11/2015