TIN THỦY SẢN

Một số giải pháp kỹ thuật chuẩn bị ao nuôi tôm biển

Ảnh minh họa

Theo Công văn của UBND tỉnh, vụ nuôi tôm biển thâm canh, bán thâm canh năm 2013 bắt đầu cho thả giống từ ngày 15-2-2013.

Theo dự báo của cơ quan chuyên môn về tình hình thời tiết, người nuôi cần thực hiện một số nội dung sau:

1. Thường xuyên theo dõi thông tin về điều kiện môi trường, thời tiết, kết quả quan trắc môi trường; vụ nuôi tôm biển năm 2013 nên thả giống rải vụ trong suốt vụ nuôi nhằm hạn chế thấp nhất dịch bệnh xảy ra và lây lan trên diện rộng.

2. Khi cải tạo ao, lấy nước và thả giống cần chú trọng những nội dung sau:

Cải tạo ao nuôi tôm biển:

Sên vét bùn đáy ao một cách triệt để, bùn đáy ao phải được bơm vào ao chứa bùn, tuyệt đối không bơm bùn ra kênh rạch tự nhiên, gia cố bờ ao, cống ao đảm bảo không để ao bị rò rỉ; phơi đáy ao nuôi thời gian tối thiểu là 15 ngày.

Rào lưới xung quanh ao lắng, ao nuôi để ngăn địch hại, tiến hành tiêu diệt hết các vật chủ trung gian có trong ao nuôi, ao lắng như: cá, cua, còng… Tuyệt đối không sử dụng thuốc có nguồn gốc thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt giáp xác có thành phần Cypermethrin, Deltamethrin để diệt tạp trong quá trình cải tạo ao nuôi.

Tiến hành rửa và ngâm đáy ao bằng vôi đá (CaO), liều lượng 30kg/1.000m2, sau đó lấy nước vào ao rửa 2 đến 3 lần, xả khô, rải vôi nông nghiệp (CaCO3) với liều lượng tùy thuộc vào pH đất ao, sau đó tiếp tục phơi ao từ 5 đến 7 ngày.

Đối với những ao nuôi tôm vụ trước bị bệnh: Thực hiện đúng qui trình kỹ thuật cải tạo ao nuôi như ao thu hoạch bình thường, nhưng đặc biệt chú ý các vấn đề sau:

- Vớt sạch xác tôm chết và đem chôn tại nơi an toàn; bơm hết lớp bùn đáy ao vào ao chứa bùn; rửa ao nhiều lần, nếu dùng máy bơm phun rửa ao thì hiệu quả sẽ cao hơn; phơi đáy ao ít nhất một tháng (nhằm tiêu diệt mầm bệnh có trong ao).

- Lấy nước vừa ngập nền đáy ao, dùng formol tạt đều khắp nền đáy ao liều lượng 200 lít/1.000m3 nước, ngâm ít nhất 24 giờ, sau đó xả cạn.

- Sử dụng Chlorine diệt hết địch hại còn sót lại ở mương giữa và bờ ao.

- Sử dụng vôi sống (CaO) rải đều khắp nền đáy và bờ ao liều lượng 20-25kg /1.000m2.

- Tiếp tục phơi đáy ao 5-7 ngày trước khi lấy nước vào nuôi.

Lấy nước và xử lý nước:

Nước lấy vào ao lắng phải qua túi lọc, nên lấy nước vào các ngày nước triều cường lớn nhất hàng tháng. Để lắng ít nhất 7-10 ngày trước khi cấp qua ao nuôi.

Nước cấp từ ao lắng sang ao nuôi phải qua túi lọc, khi cấp nước vào ao nuôi đạt độ sâu 1,2-1,5m, tiến hành chạy quạt kích thích trứng các loài giáp xác nở và để lắng ít nhất 3 đến 5 ngày mới tiến hành xử lý.

Nước trong ao nuôi trước khi thả giống phải được xử lý triệt để bằng Chlorine hàm lượng nhỏ hơn hoặc bằng 70% với liều lượng 30-35kg/1.000m3 nước (pH nước trong ao nuôi khi xử lý nhỏ hơn 8), thời điểm xử lý nước trong ao tốt nhất là vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối. Tuyệt đối không sử dụng các thuốc có nguồn gốc thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt giáp xác có thành phần Cypermethrin, Deltamethrin để xử lý nước.

Chọn giống và thả giống:

Đối với tôm chân trắng: Nên chọn tôm giống có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng (có nguồn gốc từ Hawaii), những trại sản xuất giống có uy tín và được kiểm dịch; thả giống có kích thước lớn (kích cỡ từ Postlarvae 12 trở lên); mật độ thả nuôi phù hợp nhất từ 60-80 con/m2 tùy theo điều kiện đầu tư và kinh nghiệm của người nuôi.

Đối với tôm sú: Chọn tôm giống tại những trại thật sự tin tưởng và được kiểm dịch, giống có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; thả giống có kích thước lớn (kích cỡ từ Postlarvae 15 trở lên); mật độ thả nuôi phù hợp nhất từ 20-25 con/m2 tùy vào điều kiện và kinh nghiệm của người nuôi.

Sau khi chọn tôm giống bằng phương pháp cảm quan để xác định tôm giống khỏe mạnh, người nuôi nên đem tôm giống kiểm tra bằng phương pháp PCR để xác định tôm không bị nhiễm mầm bệnh nguy hiểm. Tuyệt đối không bắt tôm giống không rõ nguồn gốc, không kiểm dịch.

Trước khi thả giống vào ao nuôi, cần điều chỉnh các yếu tố môi trường nước trong ao nuôi cho thích hợp như độ kiềm lớn hơn 80mg/l; pH lớn hơn 7.5... thì mới tiến hành thả giống, thời gian thả giống thích hợp nhất là lúc sáng sớm hoặc chiều tối để tránh gây sốc.

3. Thường xuyên truy cập vào Website của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để theo dõi thông tin về kết quả quan trắc môi trường và kết quả kiểm dịch tôm giống, tại các trại sản xuất giống tôm biển trên địa bàn tỉnh, theo địa chỉ: www.sonongnghiep.bentre.gov.vn

4. Khi tôm nuôi có dấu hiệu bị nhiễm bệnh hoặc tôm bệnh chết bất thường phải thực hiện ngay các biện pháp cách ly, tuyệt đối không xả thải ra kênh rạch và cần khai báo ngay cho Ban Quản lý vùng nuôi, UBND xã hoặc Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 3 huyện biển để được hướng dẫn cách ly.

báo Đồng Khởi