TIN THỦY SẢN

Một số loài thủy sản suy giảm lớn sau sự cố môi trường ở 4 tỉnh miền Trung

Một số loài thủy sản suy giảm lớn sau sự cố môi trường ở 4 tỉnh miền Trung. Hình minh họa Nguyễn Đắc Thành

Nhiều loài cá đáy điển hình và cá rạn không thấy xuất hiện trong thành phần loài của chuyến điều tra gồm: Cá dao đỏ, cá móm, cá vạng mỡ, cá bánh lái, cá phèn, cá dưa, cá đuối, cá đù, cá đục và cá khoai...

Ngày 31.8, Bộ NNPTNN đã tổ chức hội thảo “Bảo vệ, phục hồi, tái tạo hệ sinh thái và nguồn lợi thủy sản” tại tỉnh Thừa Thiên-Huế nhằm định hướng phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái thủy sinh sau sự cố môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung.

Tại buổi hội thảo, Tổng cục Thủy sản đã đưa ra những con số cho thấy, sau sự cố môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung năm 2016, nguồn lợi thủy sản ở vùng biển này đã có những biến động. Theo đó, khi xảy ra sự cố, Viện Nghiên cứu Hải sản thực hiện điều tra hiện trạng nguồn lợi thủy sản ven biển Việt Nam (tháng 10-11.2016) và kết quả là một số loài đã suy giảm lớn.

Cụ thể: Trước sự cố (tháng 11.2015), số lượng họ là 62; số lượng loài là 151, với mật độ nhóm cá đáy điển hình 163,8+/-19,5km2. Sau sự cố (07-15.5.2016) số lượng họ là 41; số lượng loài là 89 với mật độ nhóm cá đáy điển hình chỉ còn 78+/- km2.

Tổng cục Thủy sản tiến hành thả cá phóng sinh, tạo nguồn lợi thủy sản trên sông Hương. Ảnh: P.V

“Nhiều loài cá đáy điển hình và cá rạn không thấy xuất hiện trong thành phần loài của chuyến điều tra gồm: Cá dao đỏ, cá móm, cá vạng mỡ, cá bánh lái, cá phèn, cá dưa, cá đuối, cá đù, cá đục và cá khoai...

Nhìn chung, sau 6 tháng kể từ khi sự cố môi trường xảy ra (tháng 10-11.2016), kết quả điều tra nguồn lợi thủy sản cho thấy có sự suy giảm về số lượng loài, biến động về thành phần cấu trúc loài và không bắt gặp nhiều loài hải sản đã từng phân bố ở đây; cấu trúc thành phần nguồn lợi có sự biến động đáng kể, trong đó nhóm cá nổi, tôm và cua-ghẹ giảm về tỷ lệ sản lượng và nhóm cá rạn, mực-bạch tuộc tăng lên” - báo cáo nêu rõ.

Thả giống là một trong những cách để tái tạo nguồn lợi thủy sản. Ảnh: P.V

Để khắc phục tình trạng nêu trên, Tổng cục thủy sản đã có một số giải pháp, như khoanh vùng bảo vệ, cấm khai thác; xác định khu vực bãi giống, bãi đẻ của các loài có giá trị kinh tế, loài nguy cấp, quý hiếm; thả rạn nhân tạo, thả giống tái tạo nguồn lợi. Chính sách hỗ trợ ngư dân trong thời gian cấm khai thác, hỗ trợ người dân tham gia bảo vệ, quản lý nguồn lợi thủy sản.

Nguyễn Đắc Thành Báo Lao Động