Một số lưu ý trong nuôi tôm quảng canh cải tiến
Cà Mau là tỉnh có diện tích nuôi trồng thuỷ sản đứng đầu cả nước. Trong những năm qua nghề nuôi tôm biển, đặc biệt là tôm sú (Penaeus monodon) ở Cà Mau đã có những bước phát triển vượt bậc, nhiều mô hình nuôi đạt được năng suất cao, từ đó, đáp ứng được nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến thuỷ sản trong và ngoài tỉnh.
Vì thế, nuôi tôm sú hiện nay được đánh giá là nghề có nhiều tiềm năng và là mũi nhọn trong chiến lược phát triển nuôi trồng thuỷ sản của tỉnh nhà.
Trong đó, mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến (QCCT) là một trong những mô hình được khuyến khích phát triển, do đây là mô hình nuôi có mức độ rủi ro thấp, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, chi phí phục vụ sản xuất thấp và rất phù hợp với điều kiện sản xuất của bà con nông dân.
Những năm gần đây diện tích nuôi tôm QCCT ở Cà Mau phát triển mạnh, bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế khá cao, từ đó góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của tỉnh nhà. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn không ít những hộ dân nuôi do áp dụng chưa đúng theo quy trình kỹ thuật nên dẫn đến hiệu quả mang lại chưa cao.
Vì vậy, để thực hiện mô hình nuôi tôm QCCT thành công, bà con nên lưu ý các vấn đề sau:
- Nên thiết kế và xây dựng ao nuôi cho phù hợp (diện tích từ 0,5-1 ha) đây là một trong những khâu rất quan trọng vì việc thiết kế và xây dựng ao nuôi phù hợp, từ đó, người nuôi dễ quản lý trong suốt quá trình nuôi, hạn chế chi phí trong quá trình sản xuất.
- Nên đào ao trên tầng phèn để hạn chế quá trình xì phèn làm biến động các yếu tố môi trường gây bất lợi cho tôm nuôi.
- Nên xây dựng bờ bao chắc chắn, không được rò rỉ và phải cao hơn mực nước cao nhất là 0,5 m. Vì nếu bờ bao không chắc chắn sẽ làm thất thoát nguồn nước, gây ảnh hưởng đến môi trường ao nuôi.
- Nên thiết kế ao lắng để dự trữ và xử lý nước trước khi cấp vào ao nuôi để hạn chế mầm bệnh xâm nhập vào ao nuôi và có nguồn nước dự phòng khi cần thiết.
- Trong quá trình nuôi tháng thứ nhất bà con nên bón phân định kỳ 5-7 ngày/lần với liều lượng 1-2 kg/1.000 m3 nước để tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm trong giai đoạn còn nhỏ.
- Nên cấy men vi sinh định kỳ theo liều hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Nên bón vôi nông nghiệp (CaCO3) định kỳ 10-15 ngày/lần với liều lượng 1-2 kg/100 m3 nước để ổn định môi trường giúp tôm phát triển tốt.
- Nên chọn mua con giống ở những cơ sở có uy tín và được xét nghiệm PCR trước khi thả nuôi. Con giống trước khi thả vào vuông nuôi nên gièo lại trong ao gièo vì như vậy khi thả tôm vào ao nuôi tỷ lệ sống cao và kiểm soát được lượng tôm giống thả, từ đó, thuận tiện hơn trong quá trình chăm sóc và quản lý.
- Trong quá trình chăm sóc nên cho tôm ăn vào sàng ăn (20-25 sàng/ha) và cho ăn vừa phải tránh cho ăn dư thừa làm dơ nền đáy phát sinh các khí độc, tảo phát triển nhiều làm môi trường ao nuôi dễ biến động, từ đó ảnh hưởng đến sức khoẻ tôm nuôi.
Trên đây là những kinh nghiệm mà tôi đã thực hiện thành công qua các mô hình trình diễn xin được chia sẻ đến với bà con. Kính chúc bà con một vụ mùa bội thu!