TIN THỦY SẢN

Mùa khô Nam bộ đến sớm

Ông Nguyễn Minh Giám - Ảnh: Q.K.

Thông thường đến giữa tháng 11 hằng năm, Nam bộ mới bước vào mùa khô nhưng diễn biến thời tiết những ngày qua cho thấy mùa khô đã xuất hiện - ông Nguyễn Minh Giám, phó giám đốc Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, cho biết.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Minh Giám nhận định mùa khô Nam bộ năm nay đến sớm hơn trung bình nhiều năm khoảng nửa tháng.

* Mùa khô đến sớm liệu tình trạng nắng nóng sẽ gay gắt và kéo dài hơn so với mùa khô các năm trước?

- Qua chuỗi số liệu quan trắc cho thấy năm nào mùa mưa kết thúc sớm đồng nghĩa với mùa khô năm đó kéo dài hơn. Tuy nhiên do năm nay hiện tượng El Nino hoạt động không mạnh nên sẽ ít có khả năng xảy ra những đợt nắng nóng gay gắt, một số nơi như Đồng Xoài, Phước Long (Bình Phước) ít khả năng xuất hiện nhiệt độ trên 40OC như một số năm trước đây.

Dù nắng nóng không đạt mức lịch sử nhưng nhiệt độ trung bình sẽ cao hơn so với các năm. Như mùa khô 2010-2011, trong các tháng 11, 12-2010 và tháng 1-2011 nhiệt độ trung bình tại TP.HCM dao động từ 26,9-27,4OC. Qua mùa khô năm 2011-2012 thì nhiệt độ trung bình tăng lên từ 27,1-28OC. Mùa khô năm nay nhiệt độ trung bình tại Nam bộ sẽ còn cao hơn mức trên. Nguyên nhân theo dự báo, cường độ các đợt không khí lạnh không mạnh nên dù có thể gây rét ở miền Bắc nhưng sẽ hạn chế khuếch tán về Nam bộ.

Vì vậy, có thể nói mùa đông năm nay tại miền Bắc dự báo sẽ ấm hơn và tại Nam bộ nhiệt độ trung bình cũng cao hơn. Riêng giai đoạn từ tháng 11-2012 đến tháng 1-2013 tại Nam bộ được xem là giai đoạn có nhiệt độ thấp nhất trong mùa khô do chịu tác động của các đợt không khí lạnh tăng cường.

* Mùa khô năm 2011-2012 đã xuất hiện rất nhiều đợt mưa trái mùa gây thiệt hại cho bà con trồng hoa màu. Ông nhận định tình trạng mưa trái mùa lặp lại trong mùa khô này?

- Mùa khô năm 2011-2012 có một số nơi liên tục xuất hiện mưa trái mùa, thậm chí có nơi diễn biến thời tiết giống như là mùa mưa. Theo dự báo, trong mùa khô này cũng có mưa trái mùa nhưng tần suất không nhiều như mùa khô trước. Mưa trái mùa nhiều hay ít có tác động mang tính hai mặt: người trồng hoa màu, bà con diêm dân, nuôi trồng thủy sản, hoạt động du lịch sẽ gặp khó khăn trong khi người trồng lúa và một số loại cây trồng khác lại được hưởng lợi vì đỡ công tưới tiêu.

Với nhận định mùa khô này sẽ ít có mưa trái mùa nên người dân có thể chủ động trong việc chọn lựa thời gian, các loại giống phù hợp.

* Mưa ít hơn có nghĩa là mặn xâm nhập sâu hơn vào nội đồng, điều này không chỉ ảnh hưởng đến nông nghiệp mà còn ảnh hưởng đến việc cấp nước sinh hoạt?

- Đây là đặc điểm thời tiết cần được lưu ý. Mùa lũ năm nay không lớn như những năm trước vì lượng nước từ thượng nguồn đổ về ít và yếu. Trong khi đó, nước từ thượng nguồn được coi là “bức tường thành” ngăn và đẩy lùi mặn từ biển xâm nhập các cửa sông, nội đồng. Mặt khác năm nay liên tục có những đợt triều cường lớn, như đợt triều cường tháng 10-2012 đã vượt mức lịch sử, đạt 1,62m (trạm Phú An sông Sài Gòn - PV).

Từ nay đến cuối năm sẽ còn nhiều đợt triều cường nữa không kém đợt triều cường vừa qua. Chính những đợt triều cường này đẩy nước mặn từ biển vào đất liền.

Thời điểm hiện nay do lượng nước trên các sông còn lớn nên tạm thời còn ngăn mặn được, nhưng đến khoảng tháng 12-2012 và tháng 1-2013 nước kém sẽ tạo điều kiện mặn xâm nhập. Mùa khô năm 2011-2012, mặn đã xâm nhập sâu 55-60km vào khu vực nội đồng, còn mùa khô này mặn không chỉ xuất hiện sớm hơn, mạnh hơn mà còn xâm nhập sâu hơn. Các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nhất là Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Long An, Tiền Giang...

TTO