Mưu sinh mùa nước nổi
Khi con nước đục, đỏ nặng phù sa đến từ thượng nguồn dòng Mekong, người dân vùng châu thổ Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lại bước vào đợt mưu sinh mùa nước nổi. Mùa nước thường kéo dài từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch…
Theo kinh nghiệm, lũ càng lớn, thủy sản càng nhiều, dù đó là những loài thủy sản thông thường, và đặc biệt là những loài thủy sản chỉ mùa nước nổi mới có như cá linh, cá trắng. Hay như các loại rau như hoa súng, lá hẹ, điên điển cũng vươn rộ theo dòng nước dâng, cũng là một nguồn thu nhập.
Nhiều gia đình tận dụng nguồn thủy sản mùa lũ để giảm bớt gánh nặng gia đình. Ví như, cả nhà ông Nguyễn Ngọc Phúc, An Phước, Tân Hồng, Đồng Tháp, người đi thả lưới, thả lọp, giăng câu… Cá đánh được dùng làm thức ăn cho bè cá lóc bông, nhờ đó tiết kiệm được khoản kha khá.
Người không có bè thì đánh bắt mưu sinh. Vào đầu mùa, mỗi ký cá linh cũng có giá 15 - 20 ngàn đồng. Đây là nguồn thu nhập không nhỏ. Nhiều gia đình vừa ăn, vừa bán không hết thì làm khô, làm mắm…
Chủ tiệm sản xuất lưới tại chợ Mộc Hóa, Long An, ông Triệu Tấn Phát cho biết, cơ sở ông sản xuất các loại lưới phục vụ đánh bắt mùa lũ, không biết lũ năm nay có lớn không nhưng hiện tại còn rất thấp, nhiều người vẫn đang ngóng trông lũ về, sức mua cũng giảm theo. Tương tự những cửa hàng bán lưỡi câu, lờ, vó, đáy, lộp… khác trong chợ cũng khá im ắng.
Ngoài thủy sản, lũ cũng mang đến nhiều “sản vật” khác, như cây lá hẹ. Không giống như những loại cây đặc trưng khác của vùng sông nước, hẹ là loại cây chỉ có vào mùa nước nổi, người dân gọi nôm na là “cỏ trời” bởi đây là loại cây họ cỏ không cần trồng và chỉ mọc lên khi cánh đồng đã bạt ngàn nước.
Theo chị Nguyễn Thị Phấn, ấp 5, xã Tân Lập, Mộc Hóa, Long An, khi nước ngập trắng đồng, không còn việc gì để làm, bà con bắt đầu nhổ hẹ ngoài đồng để mưu sinh. Công việc khá đơn giản, nhưng cũng giúp nhiều gia đình thêm thu nhập suốt 3 tháng lũ. Hẹ nhổ xong làm gốc sạch sẽ rồi cân cho thương lái. Cây hẹ càng non thì càng được giá. Mỗi ký hẹ khoảng 5.000 đồng, nếu mỗi ngày nhổ khoảng 20kg cũng kiếm được 100.000 đồng. Tương tự bông súng cũng mang lại thu nhập cho mỗi người ít cũng trăm ngàn đồng/ ngày. Bông điên điển thì có giá khá hơn…
Không chỉ thế, vùng sông nước Nam bộ còn là xứ sở của cây lục bình, có nơi gọi là bèo tây, từ khi các sản phẩm đan lát được làm từ cọng của cây lục bình trở thành những mặt hàng có giá trị đã phần nào giúp cho những gia đình nơi đây có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Em Đoàn Thời Văn, 14 tuổi, xã Bình Hòa Đông, Mộc Hóa, Long An vào mùa con nước về thường phụ mẹ cắt lục bình và phơi khô. Mỗi ký cọng lục bình khô bán được khoảng 7.000 đồng giúp gia đình em có thêm thu nhập, đặc biệt là trong lúc nông nhàn.
Tại vùng lũ Kiên Giang, ngoài đánh bắt thủy sản, còn có nhiều mô hình sản xuất trong mùa nước nổi như trồng thủy sinh các loại cây sen, ấu, bông súng, rau nhút, bông điên điển… Ở khu vực đất cồn, người dân tận dụng mặt nước trồng ấu giống Đài Loan, có thời gian sinh trưởng ngắn hơn giống địa phương, cho năng suất cao, giá bán 3.200 đồng/kg, trừ chi phí cũng có thu nhập 40 triệu đồng/ha.
Ngoài ra, còn có mô hình trồng nấm rơm mùa nước nổi, nấm dễ trồng, thời gian sinh trưởng chỉ 25 ngày là thu hoạch, lại có giá cao so với những tháng bình thường… Hiện nấm có giá bán bình quân 45.000 đồng/kg, trừ chi phí, lãi gần 100 triệu đồng/ha.
Ở xã Vĩnh Tế, thị xã Châu Đốc, mỗi ngày chống xuồng hái bông súng ở cánh đồng giáp biên giới Campuchia bán cho các thương lái đưa về những địa phương Châu Đốc, Tri Tôn, Châu Phú, Tân Châu… cho thu nhập hơn 100.000 đồng/ người/ngày.
Đã hơn nửa đời gắn bó vùng đất này, bà Trần Thị Kim Ngọc, người dân xã An Phước, Tân Hồng, Đồng Tháp cho biết, chỉ cần nhìn những sản vật ở chợ, có thể biết lũ có lớn hay không.
Mùa nước nổi làm gián đoạn việc đồng áng, thay vào đó, lũ về lại thêm công việc mới. Tuy nhiên, nước năm nay về chậm, mức nước lũ vẫn còn khá thấp khiến nhiều người lo ngại các nguồn lợi đem lại từ lũ sẽ vuột khỏi tầm tay...