TIN THỦY SẢN

Mưu sinh trên "mỏ” nghêu sò: Chủ bầu và “sò tặc”

TẤN ĐỨC - TẤN THÁI

Nguồn lợi tự nhiên từ các bãi bồi ven biển Tây vốn phong phú với đủ loại nghêu, sò lông, sò huyết, sò lụa, hến, cua biển... nhưng vì sao một bộ phận không nhỏ ngư dân vẫn đang sống lây lất ngay trên biển bạc quê nhà...

Khai thác sò giống tại đầu vàm Xẻo Quau, huyện An Biên - Ảnh: Tấn Đức

Tâm sự của chủ bầu

Ngư dân chuyên nghề khai thác nghêu, sò ở xã Thuận Hòa, huyện An Minh, Kiên Giang nói rằng ông Bảy Phương là chủ bầu (người có bãi nuôi nghêu, sò) lớn nhất vùng này, với tổng diện tích hàng trăm hecta.

Trước, ông Bảy Phương cũng chỉ là “tiểu bầu” tại địa phương. Tuy nhiên sau nhiều năm đeo bám với nghề nuôi sò, trải biết bao thành bại, cuộc sống gia đình ông giờ đã khấm khá hơn. Ông chia sẻ: “Nghề nuôi sò mới ngó qua thấy hấp dẫn nhưng cũng lắm gian nan, nhiều lúc thất bại trắng tay, nợ nần chồng chất. Vậy nên đòi hỏi người nuôi phải có tính kiên nhẫn và quan trọng là có vốn lớn để khi thất bại thì vụ sau vẫn còn tiền mà đầu tư, mong có ngày thu hồi vốn, chứ làm bằng vốn vay thì từ chết tới... bị thương. Ngay như trường hợp của tôi, mấy năm trước thất bát muốn sạt nghiệp, nay nhờ vụ sò giống bất ngờ này cũng gỡ lại được kha khá”. Ông Bảy Phương cũng không giấu giếm: “Người dân nghèo ít vốn không đủ sức đầu tư, còn cán bộ khi cho thuê bãi không có thời gian trông giữ nên giao cho chúng tôi”.

Theo ông Phương, việc cho thuê mặt nước biển áp dụng cho hộ gia đình trên địa bàn xã Thuận Hòa có nhiều điều chưa hợp lý, như quy định mỗi hộ chỉ được thuê 5 ha, trong khi các chủ bầu có vốn, có kinh nghiệm cần diện tích lớn hơn. “Chính vì vậy những ông bầu chúng tôi phải thu gom, thuê lại hoặc đứng đằng sau nhờ những hộ gia đình quen biết thuê giùm. Làm vậy nguy cơ xảy ra tranh chấp rất cao nên chủ bầu không mạnh dạn đầu tư lâu dài” - ông Bảy Phương tâm sự.

Ngoài chủ bầu Bảy Phương, ở xã Nam Thái A, huyện An Biên nhiều người cũng hay nhắc tới gia đình ông Mười Khánh (58 tuổi), một trong những chủ bầu đầu tiên ở Xẻo Quau, hiện sở hữu gần 40 ha bãi biển nuôi nghêu, sò. Có diện tích lớn như vậy nhờ từ năm 1991 vợ chồng ông đã chịu khó đốn cây cắm bãi khi chưa có người đến khai hoang, rồi tìm cách mở rộng diện tích nuôi.

Hơn 30 năm trong nghề, ông Mười Khánh đã dọc ngang khắp các bãi bồi từ Mũi Nai, Hà Tiên đến Tiểu Dừa, Cà Mau để khai thác các loại sản vật của biển. Mùa sò giống năm nào ba cha con ông cũng cào được hàng tấn sò giống thả nuôi trên bãi nhà. Hiện một bãi sò rộng hơn 11 ha đang chuẩn bị thu hoạch, ước tính mang lại cho ông khoản lợi không dưới 2 tỉ đồng. Nhưng cũng như chủ bầu Bảy Phương, điều ông Mười Khánh mong muốn là được giao cấp diện tích bãi biển lớn hơn một cách chính danh để ông yên tâm sản xuất.

Trong khi đó, ở phía ngược lại, phần đông người dân vùng biển Xẻo Quau, Xẻo Bần vẫn hằng ngày vật lộn với miếng ăn bằng việc tìm bắt sản vật tự nhiên đắp đổi qua ngày. Bởi, theo phân tích của các ông bầu, người nghèo thuê mặt nước biển chỉ có... cửa chết. Nguyên nhân là khi thuê bãi phải bỏ ra rất nhiều chi phí để đầu tư. Nếu theo định suất 5ha/hộ thì các khoản chi cần thiết như: dựng chòi canh giữ bãi, mua cây cắm mốc ranh, làm lưới ven dưới biển (để nghêu sò không di chuyển sang bãi bên cạnh), sắm xuồng máy đi lại và phục vụ khai thác, mua con giống... cũng đã tốn hơn 50 triệu đồng. “Bỏ ra số tiền lớn nhưng khả năng sinh lãi chưa thể tính chắc được vì lệ thuộc nhiều vào môi trường, thời tiết, giá cả đầu ra... Thất bát một vụ nuôi thì mắc nợ không trả nổi, chi bằng chọn giải pháp đi “săn bắt hái lượm” ngoài tự nhiên, được bao nhiêu ăn bấy nhiêu” - một ngư dân ở ấp Xẻo Bần A, xã Thuận Hòa, nói.

Nhờ có vốn đầu tư, chủ bầu Mười Khánh ở ấp Xẻo Quau chuẩn bị đón một vụ sò bội thu - Ảnh: Tấn Đức

Bãi bồi, ai thuê?

Tổ 17, ấp Xẻo Bần A nằm ở cuối con kênh Xẻo Bần, nơi chỉ có thể tới được bằng đường sông. Mấy ngày qua 43 hộ dân ở đây thấp thỏm âu lo vì cánh cửa mưu sinh mở ra phía biển gần như đã khép chặt lại. Bởi trước đây “ngư trường” truyền thống của ngư dân trong tổ là biển Thuận Hòa, trải dài 7km, từ đầu vàm Xẻo Bần xuống tới thứ (kênh) 9. Bao năm mưu sinh trên vùng biển này, ngư dân Xẻo Bần A đều rõ như lòng bàn tay những khu vực bãi bồi ven biển khu nào “mức” (bãi lài, ít sóng gió, nghêu, sò, ốc, hến sinh sản nhiều), khu nào “xương xẩu” (ít sò).

Tuy nhiên những khu vực “mức” giờ đây đã được giao cấp không còn chỗ trống, trong đó không ít trường hợp là cán bộ hoặc thân nhân đang làm việc tại địa phương. “Trong số 43 hộ dân ở đây chỉ có hai hộ có đất sản xuất, còn lại đều sống nhờ vào tài nguyên biển. Đầu năm thì đi bắt sò giống, sò thịt, giữa năm bắt cua biển, sò lụa, thậm chí bắt hến đá chỉ 1.000 đồng/kg bán cho người ta làm thức ăn chăn nuôi, mỗi ngày cũng kiếm được trăm ngàn đồng mua gạo. Đùng một cái, đầu năm nay khi sò giống có giá, xuất hiện nhiều, bãi biển tự nhiên có chủ gần hết, không biết những ngày sắp tới bà con xóm này sống ra sao” - ông Nguyễn Văn Đông (Bảy Đông, 55 tuổi), cựu tổ trưởng 17 ấp Xẻo Bần A, bày tỏ nỗi lo. Hơn 20 năm sống bằng nghề khai thác tài nguyên biển, giờ đây ở tuổi không còn trẻ nữa ông Bảy Đông đang tính kế ra thị thành làm công nhân. Ông bảo: “Tui cứ lo bám xứ biển này, ngày nào đó vô tình mang tiếng là “nghêu tặc”, “sò tặc” mà không hay”.

Có mặt ở xóm Xẻo Bần những ngày cuối tháng 4, chúng tôi được nhiều người dân cố cựu kể vanh vách những cán bộ và thân nhân họ được thuê bãi “mức” (bãi có nhiều nghêu, sò giống). Theo sơ đồ phân lô thì mỗi hộ được thuê mặt nước biển với diện tích 5 ha. Ông Nguyễn Hoàng Khải - chủ tịch UBND xã Thuận Hòa - xác nhận với chúng tôi danh sách này và cho biết thêm: việc cho thuê bãi biển tại địa phương là chủ trương chung của tỉnh Kiên Giang và diễn ra thành nhiều đợt. Quy trình cho thuê là trước tiên xã sẽ thông báo rộng rãi cho người dân biết, trong đó những hộ nghèo, không đất sản xuất, có hộ khẩu tại địa phương sẽ được ưu tiên. “Ban đầu là thế,nhưng các đợt sau này có mở rộng thêm đối tượng nên có cán bộ công tác tại xã cũng được thuê”.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi về việc vì sao thân nhân cán bộ được thuê mặt biển ở vị trí tốt, có người không trực tiếp sản xuất như quy định mà chỉ nhằm mục đích cho thuê lại hưởng chênh lệch hàng chục triệu đồng/suất (5 ha), ông Khải thừa nhận: “Có biết việc này nhưng xử lý thì vượt ngoài thẩm quyền của xã!”.

“Để dân nghèo trên địa bàn thuê mặt nước biển trụ được thì phải liên kết từng nhóm 5 - 10 hộ hoặc thành lập những tổ hợp tác. Như vậy vừa nhẹ tiền đầu tư cũng như công sức bỏ ra. Có thế người nghèo mới có cơ hội ra biển nuôi trồng để cải thiện đời sống” - ông Nguyễn Hoàng Khải nói.

TẤN ĐỨC - TẤN THÁI Báo Tuổi Trẻ, 24/04/2012