TIN THỦY SẢN

Mỹ chuẩn bị thanh tra thực tế về cá tra ở Việt Nam

Nuôi cá tra giống ở ĐBSCL. Nguồn: Báo Cần Thơ Phạm Anh

Bộ NN&PTNT cho biết, từ 14 đến ngày 25/5 tới, Cơ quan Thanh tra An toàn thực phẩm Hoa Kỳ sẽ tiến hành thanh tra thực tế chương trình kiểm soát cá da trơn của Việt Nam.

Cùng với đoàn của Mỹ, theo kế hoạch từ ngày 16 đến 22/5, đoàn của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam để kiểm tra thực tế tại tỉnh Kiên Giang và Bình Định, làm việc với các đơn vị liên quan về vấn đề IUU (đánh bắt bất hợp pháp, không theo quy định, không được quản lý).

Đây là đợt thanh kiểm tra rất quan trọng từ các đơn vị chức năng của Hoa Kỳ và EU đối với thủy sản của Việt nam. Bởi, hiện phía Mỹ đang áp mức thuế chống bán phá phi lý và cao kỷ lục với cá tra từ Việt Nam, trong khi, EU cũng đang giơ “thẻ vàng” với thủy sản Việt Nam liên quan đến vấn đề IUU.

Do tính chất quan trọng, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ lên kế hoạch, chương trình hành động chi tiết và chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để đón các đoàn sang kiểm tra và làm việc.

Trước đó, ngày 20/3/2018, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 13 (POR13) áp dụng đối với các lô hàng cá tra xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường này giai đoạn từ 1/8/2015- 31/7/2016.

Theo đó, quyết định này áp mức thuế 3,87USD/kg được áp dụng cho Công ty Godaco - doanh nghiệp được chọn để xem xét hồ sơ lần này. Do chỉ có một công ty được chọn để xem xét hồ sơ, nên DOC cũng áp dụng mức thuế này cho các doanh nghiệp còn lại.

So với mức 0,69 USD/kg của POR12, mức thuế này đã tăng 5,61 lần. Đây là mức thuế cao nhất từ trước đến nay và cao hơn cả mức thuế toàn quốc 2,39 USD/kg mà DOC áp dụng cho các công ty không được hưởng thuế suất riêng rẽ trong vụ kiện chống bán phá giá cá tra của Việt nam.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), kết quả cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 13 thể hiện sự không công bằng, trái với các quy định về luật chống bán phá giá thông thường, đồng thời mang tính áp đặt và vô lý đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Đây là một việc chưa có tiền lệ, thể hiện sự áp đặt chủ quan thiếu cơ sở của DOC trong quá trình xem xét.

Ông Trương Đinh Hòe, Tổng thư ký VASEP cho biết, hiện Godaco đã khiếu kiện lên Tòa án Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (CIT), yêu cầu xem xét lại cách tính thuế của DOC với trường hợp của công ty này.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn lại cũng đã mở vụ kiện tại Toà án Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ yêu cầu xem xét lại việc áp thuế suất riêng rẽ 3,87 USD/kg đang bị cao hơn mức thuế suất toàn quốc; từ đó buộc DOC phải có sự điều chỉnh công bằng và phù hợp.

Theo ông Hòe, việc khiếu kiện có thể kéo dài 1,5-2 năm. Tuy nhiên, Việt Nam cũng có hy vọng phía Mỹ sẽ xem xét lại hồ sơ của công ty Godaco khi đã không đánh giá, xem xét đầy đủ để áp thuế trước đó. Nếu Godaco bị áp mức thuế thấp hơn, có thể các doanh nghiệp còn lại cũng sẽ chịu mức thuế thấp hơn.

Phạm Anh Báo Tiền Phong