TIN THỦY SẢN

Mỹ Hà phát triển nghề nuôi thủy sản nội đồng

Nuôi cá ở Nam Định Thanh Trung

Được sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp uỷ, chính quyền địa phương, nhiều hộ dân trong xã đã mạnh dạn nhận đất ở vùng chuyển đổi, vay vốn đầu tư xây dựng trang trại, gia trại tổng hợp nuôi thủy sản.

Nhờ tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, hầu hết các hộ nuôi đã nắm vững kiến thức và áp dụng vào chăm sóc, phòng bệnh cho cá, đầu tư máy sục khí… Từ năm 2015 Tổ hợp tác nuôi thủy sản của xã đã được thành lập, không chỉ hỗ trợ các hộ nuôi thành viên mà còn chiếm được sự tin cậy của bạn hàng các nơi. Đến nay phong trào nuôi thủy sản nội đồng của xã Mỹ Hà đã phát triển mạnh ra 15/16 thôn; sản lượng cá trắm đen (con nuôi chủ lực của xã) hằng năm ổn định ở mức 350-400 tấn. Qua các vụ nuôi, các hộ nuôi thủy sản ở Mỹ Hà đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm, hiện hầu hết các hộ nuôi cá trắm đen theo hình thức bán thâm canh, thâm canh năng suất cao. Cá trắm đen Mỹ Hà được tiêu thụ ở thị trường trong tỉnh và các thị trường lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa… Đặc biệt, vào dịp giáp Tết còn cung ứng số lượng lớn cá nguyên liệu cho làng cá kho Nhân Hậu, huyện Lý Nhân (Hà Nam).

Theo hoạch toán của các hộ nuôi cá trắm, mỗi ha nuôi có thể cho năng suất từ 10-12 tấn, doanh thu đạt từ 1-1,2 tỷ đồng và lãi 150-200 triệu đồng/ha. Nhiều hộ có kinh nghiệm, diện tích nuôi lớn đã đạt thu nhập thực tế từ 250-300 triệu đồng/năm như hộ các ông: Trần Công Quyên, Trần Công Phúc đều ở xóm 1; Trần Công Vinh, khu chuyển đổi; Trần Văn Ấn, xóm 14... Không chỉ phát triển mạnh về cá trắm đen, để nguồn thu không phụ thuộc vào một đối tượng, vài năm trở lại đây, nhiều hộ nuôi thủy sản trong xã đã tận dụng diện tích mặt nước, quây lưới nuôi xen kẽ trong ao các loại cá cảnh phù hợp như: cá chép vàng, cá Koi để cung ứng cho nhu cầu thị hiếu đa dạng của thị trường.

Với diện tích hơn 2ha, anh Quyên đã đầu tư đào 9 ao nuôi cá với tổng diện tích mặt nước trên 1ha; vùng bờ bãi còn lại anh xây dựng chuồng trại nuôi lợn, gà và trồng cây ăn quả. Tất cả các ao đều được kè bê tông để bảo vệ bờ, chống thất thoát nước. Anh tập trung nuôi đối tượng chính là cá trắm đen phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân quanh vùng vào các dịp lễ, Tết… Do chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên đàn cá của gia đình anh hiếm khi bị bệnh, lớn nhanh, sau gần 1 năm nuôi có thể đạt cân nặng trung bình từ 4-5kg/con. Mỗi năm gia đình anh xuất bán ra thị trường khoảng 10-12 tấn cá thương phẩm. Ngoài ra, khoảng 3 năm trở lại đây, anh còn tận dụng diện tích mặt nước, quây lưới để thả thêm cá chép cảnh tại 3/9 ao nuôi. Mỗi ao anh thả khoảng 1.200 con cá giống, nuôi khoảng 90 ngày thì xuất bán với giá bình quân 15 nghìn đồng/đôi. Mỗi năm, anh nuôi kèm từ 3-4 vụ cá chép cảnh, chỉ tính riêng cá cảnh cũng thu được 80-100 triệu đồng.

Hộ anh Trần Văn Ấn có 8 ao thì 5 ao nuôi cá trắm đen, còn 3 ao thả cá Koi. Mỗi năm, ngoài khoảng 10 tấn cá trắm đen, anh còn xuất bán ra thị trường khoảng 4-5 tấn cá Koi với giá từ 100-150 nghìn đồng/con (loại từ 1 kg/con trở lên); riêng loại từ 1,5 kg/con có giá từ 200 nghìn đồng/con trở lên. Nhờ đó, mỗi năm gia đình anh cũng có 200 triệu đồng trở lên thu nhập từ cá Koi. 

Chủ tịch UBND xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc) đồng chí Nguyễn Văn Học cho biết: Hiện nay, toàn xã có khoảng 90ha nuôi thủy sản nội đồng với tổng số 125 trang trại, gia trại tổng hợp (trong đó có 14 trang trại đã được công nhận đủ các tiêu chí do Bộ NN và PTNT quy định) với đa dạng các loại con nuôi như: cá trắm đen, cá quả, cá cảnh… Hiệu quả từ phát triển nghề nuôi thuỷ sản nội đồng đã góp phần phát triển kinh tế của xã. 

Thanh Trung Báo Nam Định