Mỹ làm nhựa tự hủy sinh học từ vỏ tôm
Các nhà nghiên cứu tại Viện Wyss của Đại học Harvard đã phát triển một phương pháp sản xuất các đồ dùng hàng ngày như đồ chơi và vỏ điện thoại di động - sử dụng nhựa làm từ vỏ tôm trên quy mô lớn.
Theo các nhà nghiên cứu, những đồ vật làm từ nhựa sinh học có đặc tính tương tự như những đồ vật làm bằng nhựa tổng hợp khác, nhưng không ảnh hưởng đến môi trường.
Thay vì sử dụng nguyên liệu thực vật như cellulose để sản xuất nhựa, nhựa sinh học của nhóm nghiên cứu của đại học Harvard có nguồn gốc từ chitin mang polymer tự nhiên, một trong những vật liệu hữu cơ dồi dào nhất trên trái đất.
Phần lớn nguồn chitin trên thế giới hiện nay đều được chiết xuất từ vỏ tôm thường bị vứt bỏ. Nhưng đến nay, các kỹ sư vật liệu vẫn chưa thể sản xuất những đồ vật có dạng ba chiều (3D) phức tạp từ vật liệu làm từ chitin.
Nhóm các nhà nghiên cứu Viện Wyss, do tiến sĩ Javier Fernandez dẫn đầu và giám đốc Don Ingber đã phát triển một phương pháp mới xử lý chitin từ đó có thể sử dụng vật liệu này để chế tạo các đồ vật lớn, dạng 3D với hình dạng phức tạp, sử dụng kỹ thuật đúc khuôn nhựa truyền thống.
Khi bị thải ra môi trường, nhựa sinh học chitosan sẽ tự phân hủy trong vòng 2 tuần và sẽ sản sinh ra các chất giàu dinh dưỡng giúp cây trồng phát triển.