TIN THỦY SẢN

Mỹ tăng thuế CBPG sơ bộ với tôm của Việt Nam

Công nhân chế biến tôm xuất khẩu trong một nhà máy - Ảnh: TL TBKTSG. T.Thu

Mức thuế chống bán phá giá sơ bộ được Bộ Thương mại Mỹ xác định đối với mặt hàng tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ doanh nghiệp Việt Nam trong đợt rà soát hành chính lần thứ 10 cao hơn mức thuế chống bán phá giá hiện nay.

Cụ thể, theo kết luận sơ bộ của đợt rà soát hành chính thuế chống bán phá giá (CBPG) tôm lần thứ 10 (POR10) đối với tôm đông lạnh của Việt Nam cho giai đoạn từ ngày 1-2-2014 đến ngày 31-1-2015 được Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm 10-3, cơ quan này xác định mức thuế sơ bộ đối với hai bị đơn bắt buộc là 2,86% (đối với Tập đoàn thủy sản Minh Phú) và 4,78% (Công ty cổ phần thủy sản Sóc Trăng - Stapimex). Mức thuế sơ bộ cho các bị đơn tự nguyện là 3,56%, và mức thuế suất toàn quốc (áp dụng cho các doanh nghiệp khác tại Việt Nam) là 25,76%.

Như vậy, mức thuế CBPG sơ bộ mà Bộ Thương mại Mỹ xác định trong đợt POR10 cao hơn mức thuế CBPG trong kết luận sơ bộ cũng như kết luận cuối cùng của đợt POR9 mà Mỹ đưa ra trong năm ngoái.

Vào tháng 9-2015, Bộ Thương mại Mỹ công bố kết quả cuối cùng rà soát hành chính lần thứ 9 (POR9) thuế chống bán phá giá tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam giai đoạn từ ngày 1-2-2013 đến ngày 31-1-2014. Theo đó, ba bị đơn bắt buộc là Tập đoàn thủy sản Minh Phú có mức thuế CBPG cao nhất là 1,39% (giảm so với kết quả sơ bộ là 1,5%), Công ty cổ phần thủy sản và thương mại Thuận Phước chịu mức thuế 1,16% (cao hơn so kết quả sơ bộ 1,06%), và Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta là 0%. Mức thuế cho các bị đơn tự nguyện khác là 0,91%, còn mức thuế CBPG áp dụng chung cho sản phẩm từ các doanh nghiệp khác tại Việt Nam là 25,4% (giảm so với mức 25,76% của đợt POR8).

Tuy nhiên, theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), kết luận được Bộ Thương mại Mỹ công bố vào tháng 3-2016 mới chỉ là kết quả sơ bộ. Dự kiến trong thời gian tới, Bộ Thương mại Mỹ sẽ tiến hành thẩm tra tại chỗ các doanh nghiệp tham gia giai đoạn rà soát. Do đó, Cục Quản lý cạnh tranh cho rằng doanh nghiệp tôm của Việt Nam, đặc biệt là các bị đơn bắt buộc, phải chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc thẩm tra này, nhằm tránh những kết luận bất lợi trong quyết định cuối cùng.

Dự kiến, Bộ Thương mại Mỹ sẽ ra quyết định cuối cùng của đợt POR10 là trong vòng 120 ngày kể từ khi quyết định sơ bộ được đăng trên Công báo Liên bang (tức dự kiến vào đầu tháng 7-2016), nhưng thời hạn này vẫn có thể được gia hạn thêm 60 ngày.

Theo Cục Quản lý cạnh tranh, Mỹ cũng tiến hành rà soát hành chính đối với Ấn Độ và Thái Lan. Theo kết quả sơ bộ, mức thuế trung bình của các doanh nghiệp Ấn Độ là 4,89% (cao hơn mức 2,96% trong đợt POR9), của Thái Lan là 1,35% (cao hơn mức 1,1% trong POR9).

T.Thu Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 11/03/2016