TIN THỦY SẢN

Mỹ thông báo về áp thuế chống bán phá giá với tôm nước ấm đông lạnh nhập từ Việt Nam

Hình minh họa. Nguồn Internet Tùng Anh

Cục quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho biết, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã ra thông báo về đợt Rà soát hành chính lệnh áp thuế chống bán phá giá lần thứ 9 đối với một số sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam.

Theo Công báo liên bang (Federal Register), ngày 15/ 8/2017, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ra thông báo, căn cứ vào Mục 516A(e)(1), 751(a)(1) và 777(i)(1) của Đạo luật Thuế quan 1930, về việc Quyết định của Tòa án không phù hợp với kết quả cuối cùng của đợt Rà soát hành chính lệnh áp thuế CBPG lần thứ 9 đối với một số sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam (gọi tắt là POR9) và đã ra thông báo về Kết quả cuối cùng đã sửa đổi của POR9.

Ngày 29/6/2017, Toà án Thương mại Quốc tế (CIT) đã đưa ra phán quyết cuối cùng, theo đó chấp nhận kết quả điều tra lại của Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) liên quan tới đợt POR9 cho giai đoạn từ ngày 1/2/2013 đến ngày 31/1/2014.

Trước đó, ngày 15/ 9/2015, DOC đã công bố bản Kết luận cuối cùng. Trong bản kết luận này, DOC cho biết đã dựa vào dữ liệu của Cục thống kê Bangladesh (BBS) để tính mức sử dụng lao động của các bị đơn. Sau đó, CIT đã trả lại kết quả này yêu cầu DOC giải thích thêm hoặc xem xét lại.

Trong kết luận cuối cùng, DOC đã tính biên độ phá giá bình quân gia quyền là 0,00% và 1,16 % đối với 2 công ty của Việt Nam. Dựa trên sự thay đổi về giá trị lao động thay thế, DOC tiếp tục tính biên độ phá giá bình quân gia quyền là 0,00% và 1,42% đối với 2 công ty này.

Hơn nữa, nhằm tính toán lại tỷ lệ mẫu đối với các công ty bị đơn không bắt buộc và được nhận mức thuế riêng và là các bên liên quan của vụ kiện này, DOC đã điều chỉnh biên độ phá giá cuối cùng của Tập đoàn Minh Phú từ 1,39% lên 1,53%. Tuy nhiên, không có ảnh hưởng gì đến biên độ phá giá cuối cùng của Tập đoàn Minh Phú là 1,39% trong kết quả cuối cùng.

Trong bản tính toán lại theo yêu cầu, DOC tính lại tỷ lệ mẫu dẫn đến biên độ bán phá giá bình quân gia quyền là 1,05% đối với các công ty bị đơn không bắt buộc mà có đủ điều kiện để hưởng mức thuế riêng và liên quan tới vụ kiện này.

Trường hợp phán quyết của CIT không bị kháng cáo, hoặc nếu có kháng cáo, được giữ nguyên bởi quyết định cuối cùng và có tính “chung thẩm” của Toà án, DOC sẽ hướng dẫn Cục Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ tính thuế chống bán phá giá cuối cùng đối với các chuyến hàng liên quan chưa được thanh khoản.

Theo Bộ Công thương, do đã có những đợt rà soát hành chính tiếp theo đối với 2 công ty có liên quan, tỉ lệ đặt cọc tiền mặt đối với hai công ty này sẽ vẫn là mức thuế được xác định trong đợt rà soát hành chính đã hoàn thành gần nhất; trong đó họ nhận được mức thuế đặt cọc là 4,78 %.

Hiện có 4 công ty là các bị đơn bắt buộc có đủ điều kiện để hưởng mức thuế riêng và liên quan tới vụ kiện nhưng không có đợt rà soát hành chính tiếp theo nào được hoàn thành liên quan tới các công ty đó.

Vì vậy, tỉ lệ nộp đặt cọc tiền mặt áp dụng cho các nhà xuất khẩu này là 1,05%, như được tính lại trong tính toán lại theo yêu cầu.

Ngoài ra, 28 công ty bị đơn không bắt buộc còn lại đủ điều kiện để hưởng mức thuế riêng và liên quan tới vụ kiện này và đã có những đợt rà soát hành chính tiếp theo được hoàn thành đối với các công ty này.

Do đó, tỉ lệ nộp đặt cọc tiền mặt cho các nhà xuất khẩu này sẽ vẫn là mức thuế được xác định trong đợt rà soát hành chính đã hoàn thành gần đây nhất; trong đó họ nhận được mức thuế để nộp đặt cọc.

Tùng Anh Tri Thức Trẻ