TIN THỦY SẢN

Năm 2020, ngành nuôi tôm nước lợ Sóc Trăng "trúng mánh"

Dù có nhiều khó khăn nhưng nuôi tôm nước lợ ở Sóc Trăng vẫn đạt nhiều kết quả tốt. Cao Xuân Lương

Theo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, vụ nuôi tôm nước lợ năm 2020 của tỉnh này vượt 12% kế hoạch.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng (NN&PTNT), năm 2020, tỉnh này có diện tích nuôi trồng thủy sản gần 75.000 ha, tổng sản lượng ước đạt 276.335 tấn. Trong đó, diện tích thả nuôi tôm nước lợ là 51.431 ha (tôm thẻ chân trắng chiếm 72% diện tích thả nuôi).

Toàn tỉnh sóc trăng ước sản lượng tôm nuôi gần 188.000 tấn, vượt 12% kế hoạch và cao hơn 24% so với cùng kỳ 2019.

Theo đánh giá của ngành chuyên môn, vụ tôm nước lợ năm 2020 là một năm đầy thách thức cho nghề nuôi trồng thủy sản nói chung và tôm nước lợ nói riêng do ảnh hưởng dịch Covid-19, giá tôm nguyên liệu trong nước giảm liên tục, tác động không nhỏ vào hoạt động sản xuất của người dân. Bên cạnh đó, thời tiết diễn biến bất thường cũng là một trong những nguyên nhân khiến tôm bị thiệt hại.

Các nhà quản lý đánh giá, vụ nuôi tôm nước lợ năm 2020 thắng lợi nhờ việc quản lý nuôi trồng thủy sản theo khung lịch thời vụ mang lại hiệu quả tốt. Nhiều mô hình sản xuất được triển khai, nhân rộng và được người dân áp dụng vào trong sản xuất; trình độ kỹ thuật của người dân được nâng lên;….

Theo ông Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng: Tình hình nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là tôm nước lợ trong thời gian tới vẫn mang tính rủi ro cao, trước những bất lợi về thời tiết thất thường, dịch bệnh trên tôm diễn biến phức tạp, tình hình giá tôm thương phẩm giảm thấp, trong khi giá vật tư đầu vào không giảm, làm tăng giá thành sản xuất, giảm lợi nhuận cho người dân và tỷ lệ tôm thiệt hại vẫn còn.

Vì thế, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đề nghị ngành NN&PTNT cần đẩy mạnh việc phối hợp với các ngành, địa phương tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, thủy lợi, điện nhằm phục vụ vùng nuôi tôm, nhất là vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh.

Đồng thời, tiếp tục kêu gọi đầu tư sản xuất giống tôm nước lợ, từng bước đáp ứng nhu cầu về con giống tại tỉnh. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác liên kết tiêu thụ sản phẩm để nghề nuôi tôm nước lợ của tỉnh tiếp tục phát triển và mang lại thành công cho người nuôi.

Theo kế hoạch, vụ tôm nước lợ năm 2021, Sóc Trăng đặt mục tiêu sẽ thả nuôi 51.000 ha tôm nước lợ (tôm sú 16.000 ha, tôm thẻ chân trắng 35.000 ha) với sản lượng ước đạt 172.000 tấn.

Cao Xuân Lương Dân Trí