TIN THỦY SẢN

Năm Căn: Áp dụng kỹ thuật vào mô hình nuôi tôm tít lồng

Các học viên phấn khởi khi mô hình tôm tít đem lại hiệu quả kinh tế cao Phi Hải – Thanh Vũ

Vừa qua huyện Năm Căn đã chỉ đạo cho Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện tổ chức các lớp đào tạo kỹ thuật nuôi tôm tít lồng tại hộ dân, nhằm giúp bà con nắm rõ được quy trình và cách nuôi đạt được hiệu quả cao nhất.

Mô hình được triển khai thực nghiệm từ giữa tháng 11 năm 2018 tại nhiều địa phương trong huyện. Trong quá trình nuôi người dân đã được tiếp thu một số nôi dung như: Đặc điểm sinh học của tôm tít; Lựa chọn và thả giống tôm; Chăm sóc tôm và quản lý môi trường nuôi; Dinh dưỡng và thức ăn cho tôm; Phòng trị bệnh thường gặp ở tôm; Môi trường biến đổi khí hậu.

Đồng thời, các hộ nuôi thực nghiệm còn được hỗ trợ: con giống, thức ăn, vật tư. Mô hình thực nghiệm tại ấp Tư, xã Hàng Vịnh thả nuôi 100 con tôm tít có trên 30 hộ tham gia. Với nhiều kích cỡ thả khác nhau, sau hơn 3 tháng số lượng tôm còn lại 80 con và có trọng lượng từ 80g đến 120g. Tỷ lệ hao hụt chủ yếu do quá trình vận chuyển con giống ban đầu.

Ông Nguyễn Danh Hiệp, ấp Tư, xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn chia sẻ: “khi thả nuôi tôm không gặp nhiều vấn đề khó khăn vì tôm tít tương đối là loại thủy sản dễ nuôi. Khâu chăm sóc cũng rất nhẹ vì trong một ngày mình chỉ cho ăn hai lần riêng lúc tôm còn nhỏ, bản thân tôi nhận thấy mình có thể cho ăn một lần thì tôm vẫn có thể phát triển tốt”.

Ông Thái Thanh Hòa, ấp Tư, xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn chia sẻ thêm: “qua thời gian học tôi nhận thấy tôm tít là loài thủy sản có thể mở ra hướng mới giúp người dân phát triển kinh tế ổn định. Sau lớp học thì bà con có thể tự nhân rộng ra tại từng vuông tôm của mình. Nhưng đều quan trọng là vấn đề con giống nếu lựa được giống chất lượng thì hiệu quả của tôm ngày càng được nâng cao”.

Từ mô hình thực nghiệm, bà con đã rút ra được vấn đề quan trọng nhất là ở con giống, cần chọn tôm từ 60g đến 80g tôm sẽ nhanh phát triển góp phần giảm tỷ lệ hao hụt, chi phí thức ăn và thời gian chăm sóc. Trong quá trình học, nhận thấy hiệu quả từ mô hình đem lại đã có 04 học viên đã xây dựng mô hình và áp dụng tại gia đình bước đầu đạt được hiệu quả kinh tế cao.


Học viên kiểm tra quá trình phát triển của tôm tít

Ông Võ Minh Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện Năm Căn đánh giá: “trong quá trình nuôi từ hai tháng rưỡi đến ba tháng thả nuôi thì tôm đạt chất lượng tôm nhất trên 150g đem bán theo giá thị trường trung bình của thị trường là khoảng 1 triệu đồng/kg thì lợi nhuận bà con còn lại 100 ngàn đồng/con. Điều đặc biệt ở đây thông qua mô hình chúng tôi đã đút kết toàn bộ những quy trình và xác định được những khâu cần thiết về kích cỡ, cách thức, phương pháp và tại lớp học bà con cũng đã mạnh dạng áp dụng nuôi tại nhà đến thời điểm này cũng đạt được hiệu quả khá cao”. 

Tôm Tít là loại thủy sản đặc trưng và cũng là món ăn đặc sản được nhiều người ưa chuộng, giá thành lại cao. Sau các lớp đào tạo bà con sẽ có thêm kinh nghiệm, hiểu biết thêm một số kỹ thuật mới trong nuôi tôm tít. Từ đó để người nuôi tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật nuôi, đảm bảo sản phẩm chất lượng và phát triển theo hướng bền vững góp phần phát triển kinh tế gia đình một cách hiệu quả.

Phi Hải – Thanh Vũ Năm Căn.GOV