Nắm chắc đầu ra, nông dân Viên Bình rủ nhau nuôi cá chạch quế
Sau nhiều năm gắn bó với con tôm nhưng hiệu quả không bền vững, hiện nhiều nông dân xã Viên Bình (Trần Đề) đã chuyển hướng sang nuôi cá chạch quế. Bởi đây là loài dễ nuôi và mang lại giá trị kinh tế cao, đặc biệt phù hợp điều kiện tự nhiên tại địa phương.
Theo chia sẻ của bà con, thời điểm hiện tại thì cá chạch quế cho lợi nhuận cao hơn so với con tôm, nếu duy trì thị trường tiêu thụ tốt như hiện nay thì chắc chắn ai nuôi cá chạch quế cũng khá giả.
Dù chỉ mới nuôi nhưng anh Phan Hữu Ngôn, ngụ ấp Lao Vên, xã Viên Bình biết rất rõ về giống cá chạch quế. Anh Ngôn không giấu bí quyết: “Cá chạch quế dễ nuôi vì ít bệnh, phù hợp với thổ nhưỡng địa phương. Để cá đạt năng suất, trước hết phải cải tạo ao đúng quy trình kỹ thuật, chọn giống chất lượng, mật độ thả phù hợp. Thêm nữa phải cung cấp đầy đủ thức ăn công nghiệp dạng viên nổi hàng ngày cho cá, đảm bảo môi trường ao nuôi luôn sạch, định kỳ bổ sung các loại vi sinh cần thiết trong ao để phân hủy bùn, bã hữu cơ ở đáy ao và ổn định môi trường nước, liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất”.
Cũng theo chia sẻ của anh Ngôn, cá chạch quế có tập tính sống thường xuyên nổi lên tầng mặt để hớp không khí, khi ăn no thì nằm phơi mình trên mặt nước nên trong quá trình nuôi phải hạn chế sử dụng vôi xử lý nước ao nuôi, chủ yếu dùng men vi sinh nhằm hạn chế cá bị sốc. Hiện tại, ao nuôi cá chạch quế của anh Ngôn có diện tích 6 công đất, tầm 1 tuần nữa là thu hoạch đợt đầu tiên, ước tính sản lượng cá đạt từ 13 tấn đến 14 tấn, lợi nhuận 500 triệu đồng, số tiền này cao hơn mấy lần so với nuôi tôm.
Cũng theo anh Ngôn, muốn con cá chạch quế tăng trưởng nhanh phải thường xuyên cho nước luân chuyển trong ao, định kỳ từ 7 ngày đến 10 ngày thay 30% - 50% lượng nước trong ao nhằm đảm bảo môi trường ao nuôi luôn trong sạch. Mỗi ngày nên kiểm tra hệ thống bờ ao, cống thoát nước, đảm bảo ao không rò rỉ, gây thất thoát. Để tận dụng hết phần diện tích đất của bờ bao nuôi cá, quanh ao nuôi, anh Ngôn trồng thêm dừa, xoài và dự định tiếp theo sẽ mở rộng diện tích ao nuôi.
Từ ngày chuyển qua nuôi cá chạch quế, ông Nguyễn Trọng Thảo bỏ túi vài trăm triệu đồng/năm.
Qua tìm hiểu được biết, lý do bà con hiện “mặn mà” với con cá chạch quế bởi đã có doanh nghiệp bao tiêu, chỉ việc nuôi cá đạt trọng lượng. Ông Nguyễn Trọng Thảo, ấp Lao Vên, xã Viên Bình chia sẻ: “Tôi có 2 công đất chuyển đổi từ ao nuôi tôm sang nuôi con cá chạch quế. Hơn 10 năm trước, những người nông dân lân cận chỉ chuyên canh cây lúa, thời gian sau có vài hộ chuyển nghề nuôi tôm nước lợ, khi thấy con tôm cho lợi nhuận tốt nên nhiều người cũng học hỏi nuôi tôm và trở thành một khu vực lớn chuyên canh nuôi tôm. Khoảng 3 năm trở lại đây, nghề nuôi tôm đã không còn hấp dẫn như trước nên nông dân chuyển sang nuôi con cá chạch quế. Chính vì vậy, bản thân tôi cũng mạnh dạn cải tạo lại ao nuôi tôm để nuôi cá chạch quế. Với 2.000m2 mặt nước nuôi cá, vụ đầu tiên tôi thu được 14 tấn cá, thu về số tiền hơn 800 triệu đồng, trừ chi phí cho lợi nhuận khá. Tôi đang chuẩn bị thu hoạch đợt cá của năm 2019, ước sản lượng 13 tấn, với giá cá hiện tại từ 70.000 đồng/kg đến 72.000 đồng/kg, thu về số tiền hơn 900 triệu đồng, cầm chắc lợi nhuận hơn 300 triệu đồng. Theo tôi, muốn cá đạt năng suất cao nhất thì người nuôi cần có thêm ao dự trữ, nuôi cá tầm 3 tháng, sang qua ao nuôi mới, khi đó cá sẽ lớn nhanh hơn do môi trường ao mới nước trong sạch, kèm theo đó nên thả nuôi cá thưa, giúp cá lớn nhanh…”.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Viên Bình Nguyễn Văn Tánh cho biết: “Người dân ở xã chủ yếu sản xuất lúa, canh tác màu, nuôi tôm nước lợ. Khoảng 4 năm trở lại đây, nhiều hộ nuôi tôm chuyển đổi nuôi con cá chạch quế. Thống kê trên địa bàn xã có 37 hộ nuôi cá chạch quế với diện tích 75ha. Sở dĩ hộ dân phát triển nghề nuôi cá chạch quế là vì năng suất cao (1ha cá cho sản lượng từ 40 tấn đến 60 tấn/vụ/năm), giá cá từ 70.000 đồng đến 75.000 đồng, lợi nhuận cao gấp vài lần so nuôi tôm. Để duy trì, nhân rộng, phát triển nghề nuôi cá chạch quế, địa phương sẽ thành lập tổ hợp tác nuôi cá chạch quế và vận động hộ nuôi tham gia vào tổ cùng chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau nhằm mở ra hướng phát triển kinh tế vững mạnh…”.