TIN THỦY SẢN

Nam Định: Giao Lạc khai thác thế mạnh phát triển nuôi thủy sản

San nền cải tạo bãi nuôi ngao tại xã Giao Lạc. Bài và ảnh: Thanh Hoa

Xã Giao Lạc nằm ở phía đông nam huyện Giao Thủy, là một trong 5 xã vùng đệm của Vườn quốc gia Xuân Thủy với hơn 2,7km bờ biển nên có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho phát triển nuôi thủy sản.

Toàn xã có khoảng 200 hộ nuôi thủy sản với diện tích gần 190ha, trong đó có 15,37ha diện tích chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản. Các đối tượng nuôi chủ yếu là các loại cá truyền thống, tôm rảo, ngao, vạng… cho sản lượng trung bình hằng năm khoảng 4.500 tấn. Đặc biệt nuôi ngao là một thế mạnh của Giao Lạc.

Nghề nuôi ngao cho thu hoạch cao nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro như thị trường tiêu thụ không ổn định, thời tiết biến đổi khó lường gây tác động xấu đến môi trường nuôi cũng như sức khỏe của ngao. Để quản lý và kiểm soát hoạt động nuôi ngao bảo đảm hiệu quả bền vững, UBND xã đã quy hoạch vùng nuôi, tạo sự thông thoáng về thủ tục chính sách cho người dân nhận thầu vùng ven biển để nuôi ngao. Ngoài ra, các hộ nuôi ngao ở Giao Lạc còn được các cán bộ thủy sản của huyện thường xuyên kiểm tra, giám sát, tư vấn kỹ thuật sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm cũng như vấn đề vệ sinh vùng bãi nuôi.

Nhiều năm gần đây, nguồn ngao giống nhập ngày càng khó khăn, ngao giống mua từ các nguồn trôi nổi thì không đảm bảo chất lượng, mua ở tỉnh ngoài thì thời gian vận chuyển dài ngày làm giảm chất lượng, sức khỏe con giống nên kết quả ương nuôi thấp, không hiệu quả. Chính vì thế nhiều hộ dân ở xã đã nghiên cứu kỹ thuật sản xuất ngao giống tại chỗ thành công, đảm bảo chất lượng. Hộ chị Trần Thị Ngát, xóm 9 có diện tích 6ha nuôi ngao thịt và ngao giống. Chị Ngát cho biết: “Con ngao rất thích hợp với môi trường biển nơi đây và đặc biệt vùng bãi triều lại là môi trường sống lý tưởng của ngao.

Vì vậy nên việc nuôi ngao trên địa bàn xã Giao Lạc đạt tỷ lệ sống cao, vỏ trắng sáng, béo mẩy. Mỗi ha nuôi ngao của gia đình tôi thường đạt sản lượng khoảng 5 tấn”. Thời điểm sinh sản của ngao là vào mùa thu nên trước đó, người nuôi phải cải tạo lại đầm bãi, dọn gạch đá và lấp chỗ trũng, sau đó bừa cho xốp đáy và san lại cho bằng phẳng để ngao giống bám nhiều. Cần phải thường xuyên kiểm tra tình trạng giống bám, tu chỉnh bờ, dọn mương, diệt trừ địch hại để ngao phát triển tốt. Khác với hộ chị Ngát, hộ ông Đoàn Văn Viễn, xóm 9 lại nuôi các loại cá nước ngọt truyền thống như cá trắm, cá trôi, cá chép…

Vào thời điểm giao mùa, thời tiết chuẩn bị bước sang mùa đông, ông luôn chú trọng theo dõi tình hình sức khỏe của đàn cá cũng như những diễn biến của môi trường nuôi. Ông cho biết đây là thời điểm nhạy cảm đối với các đối tượng thủy sản, trời bắt đầu ít nắng hơn, tạo điều kiện cho dịch bệnh, rong rêu, tảo trong nước phát triển nên môi trường ao nuôi sạch sẽ là tiêu chí hàng đầu cần quan tâm. Ông Viễn liên tục bơm nước sông vào ao xử lý, chờ lắng, ổn định thì ông sử dụng vôi bột để khử trùng sau đó dẫn nước sang ao nuôi và tăng cường quạt nước tạo ô-xy cho cá. Chỉ cần tuân thủ tốt một số yêu cầu kỹ thuật sẽ giúp hạn chế tối đa thiệt hại có thể xảy ra.

Từ những lợi ích thiết thực mà việc nuôi thủy sản đem lại, lãnh đạo xã Giao Lạc xác định từ nay đến năm 2020 sẽ mở rộng diện tích vùng nuôi thủy sản, tập trung các giải pháp phát triển sản xuất các sản phẩm chủ lực có tỷ trọng lớn và lợi thế của xã, trong đó có con ngao giúp người dân tăng nguồn thu nhập, vươn lên làm giàu phát triển kinh tế của địa phương. Đồng chí Đặng Văn Đại, Chủ tịch UBND xã Giao Lạc cho biết: “Chúng tôi thường xuyên mở các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật nuôi để giúp đỡ bà con tháo gỡ những khó khăn trong quá trình nuôi, phổ biến kiến thức kỹ thuật về điều kiện tự nhiên, môi trường, xây dựng lịch thời vụ, mật độ nuôi, cỡ giống sao cho phù hợp; khuyến khích các doanh nghiệp vào địa bàn đầu tư xây dựng nhà máy chế biến ngao để xuất khẩu, tạo đầu ra ổn định, nâng cao giá trị ngao nuôi; khuyến khích, tạo điều kiện để các hộ nuôi hình thành các nhóm, tổ hợp tác nuôi thủy sản giúp nhau chia sẻ kinh nghiệm, những phương pháp khoa học kỹ thuật góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế của địa phương”. Với những giải pháp trên người nuôi thủy sản ở Giao Lạc sẽ yên tâm khai thác những thế mạnh tự nhiên để làm giàu cho gia đình và quê hương./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa Báo Nam Định, 07/11/2016