TIN THỦY SẢN

Nâng cao hiệu quả nhờ chủ động di ương con giống

Bể ương nuôi giống tôm sú, tôm thẻ chân trắng tại xã Hoằng Lưu (Hoằng Hóa). Lê Ngọc

Với tổng diện tích nuôi trồng thủy sản (NTTS) hiện nay, các vùng nuôi trên địa bàn tỉnh có nhu cầu rất lớn về con giống. Tuy nhiên, nguồn cung ứng giống thủy sản đang gặp nhiều khó khăn, thiếu sự kiểm soát. Trước tình trạng trên, vấn đề chủ động di ương, sản xuất giống tại địa phương được xem là một trong những yếu tố quyết định đến tăng năng suất và hiệu quả của nghề NTTS.

Xã Hoằng Lưu (Hoằng Hóa), có khoảng 169 ha NTTS. Các đối tượng nuôi chủ yếu là tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá đối mục, cá rô phi,... có giá trị kinh tế cao và thích hợp nuôi xen canh. Tuy nhiên, những năm trước đây, sản lượng NTTS của người dân ở xã chưa cao. Theo ý kiến của nhiều hộ dân, mỗi vụ trung bình thả nuôi 22 vạn con giống tôm sú, 1.000 con giống cá đối nục,... số lượng con giống chưa bảo đảm về chất lượng cũng như số lượng do phần lớn giống tôm sú, tôm thẻ chân trắng,... đều phải nhập từ các địa phương khác như Ninh Thuận, Bình Định... Trong quá trình vận chuyển có những hạn chế, như: Sức khỏe con giống yếu, thích nghi kém khiến tỷ lệ sống thấp, chi phí cao...

Xuất phát từ nhu cầu nguồn giống tại chỗ có chất lượng tốt của người dân, HTX dịch vụ NTTS Hoằng Lưu đã khuyến khích, hỗ trợ một số thành viên chủ động di ương, sản xuất giống tại địa phương, bước đầu cho kết quả khả quan. Anh Trần Ngọc Thu, thôn Phượng Khê, là chủ của một trong những trại giống tôm sú và tôm thẻ chân trắng, cho biết: “Gắn bó với nghề NTTS đã nhiều năm, chuẩn bị đến mùa thả giống, tôi phải lặn lội đi nhiều tỉnh, thành phố để tìm mua con giống có chất lượng. Vì vận chuyển xa, lại không hợp với khí hậu, nguồn nước nên tỷ lệ sống giảm đi rõ rệt, chi phí cao mà nhiều khi nguồn giống còn không bảo đảm”. Vì thế, sau nhiều lần đi học hỏi, anh quyết tâm di ương con giống có chất lượng về cung ứng cho người dân ở xã. Theo anh Thu, tôm giống khi mới nhập về, môi trường nước giữa vùng sản xuất giống và vùng nuôi sẽ không hoàn toàn tương đồng. Do vậy, di ương con giống là một trong những biện pháp quan trọng để tăng hiệu quả trong nuôi trồng. Con giống được nhập từ các trung tâm sản xuất giống, qua quá trình di ương từ 15 đến 20 ngày sẽ vượt qua được giai đoạn sốc môi trường, sau đó sẽ được thuần hóa trong môi trường ở vùng nuôi, những con yếu, không đạt chất lượng sẽ được loại bỏ. Hiện nay, với 4 bể nuôi, mỗi vụ anh Thu cung ứng ra thị trường khoảng 20 triệu con giống tôm sú và tôm thẻ chân trắng, tỷ lệ sống của con giống lên tới 90%, lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng/vụ. Ông Chu Hữu Độ, giám đốc HTX, cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn xã có 2 cơ sở cung ứng giống, phần lớn đã đáp ứng được nhu cầu NTTS của người dân trên địa bàn xã, sản lượng NTTS cũng tăng qua các vụ nuôi”.

Được biết, tại những vùng NTTS đạt hiệu quả kinh tế cao ở các huyện Tĩnh Gia, Quảng Xương, Hậu Lộc,... một số hộ dân cũng đã chủ động di ương, sản xuất con giống đáp ứng nhu cầu NTTS của người dân trên địa bàn. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 44 trại giống cá nước ngọt công suất sản xuất 900 triệu con giống và 3 cơ sở sản xuất giống nước mặn, lợ công suất sản xuất 50 triệu con tôm sú giống... Ngoài ra, các trại giống di ương khoảng 650 triệu con giống tôm sú và tôm thẻ chân trắng, giống cua xanh, cá lóc,... Vụ xuân hè năm nay, diện tích nuôi tôm trên địa bàn tỉnh là hơn 4.000 ha, trong đó diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng là 350 ha, còn lại là tôm sú. Với diện tích này, các hộ nuôi cần từ 250 - 300 triệu con giống tôm sú và 500 triệu con giống tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay di ương, sản xuất giống tại chỗ mới đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu nuôi của người dân. Để khắc phục vấn đề này, Ông Cao Thanh Thọ, Trưởng Phòng NTTS, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Để NTTS trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định, bền vững, vấn đề di ương, sản xuất giống tại địa bàn cần được quan tâm. 

Lê Ngọc Báo Thanh Hóa