Nâng cao khả năng cạnh tranh của tôm Việt: Đâu là giải pháp?
Ngày 15/11/2016, Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và Chương trình Quản lý Tổng hợp vùng ven biển (ICMP-GIZ) đã phối hợp tổ chức Đối thoại bàn tròn trong khuôn khổ chương trình Hợp tác Công-Tư ngành thủy sản (PPP) với chủ đề “Làm thế nào để nâng cao lợi thế cạnh tranh cho ngành tôm Việt Nam?”
Nhu cầu tôm để cung ứng cho người tiêu dùng toàn cầu ngày càng tăng trong khi khả năng cạnh tranh của tôm Việt Nam đang giảm. Việc tìm ra giải pháp để nâng cao khả năng cạnh tranh cho con tôm Việt trở lên cấp thiết hơn bao giờ hết. Hội nghị bàn tròn được tổ chức nhằm chia sẻ những khó khăn của ngành tôm từ khâu nuôi trồng đến chế biến XK và tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc để thúc đẩy khả năng cạnh tranh của con tôm.
Hội nghị bàn tròn có sự tham gia đông đảo của các đại biểu đến từ Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, TCTS, các vụ, các Sở NN&PTNT, chi cục thủy sản các địa phương, các viện nghiên cứu, các hiệp hội, các doanh nghiệp nuôi, chế biến XK tôm, sản xuất giống, thức ăn và dịch vụ, các công ty mua quốc tế, v.v…Tại hội nghị các đại biểu đã thảo luận sôi nổi về những bất cập còn tồn tại trong sản xuất tôm từ đó đưa ra ý kiến về nâng cao lợi thế của ngành tôm Việt Nam trên thị trường quốc tế, những giải pháp giảm chi phí sản xuất, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Hội nghị có 4 phiên với 4 chuyên đề chính tập trung bàn về yếu tố đầu vào của ngành sản xuất tôm như: Giống, thức ăn, thuốc chế phẩm sinh học; cách thức tổ chức sản xuất liên kết ngành tôm; chính sách quản lý đối với chuỗi cung ứng và những hạn chế, đề xuất để nâng cao hiệu quả chế biến XK tôm…
Cần có tiêu chuẩn, quy chuẩn thống nhất cho tôm giống, thức ăn, CPSH
Phiên họp đầu tiên với bài phát biểu đề dẫn của Ts. Phạm Anh Tuấn với chủ đề các yếu tố đầu vào của ngành sản xuất tôm. Theo ông Tuấn, tôm giống ở Việt Nam hiện đủ về số lượng nhưng chất lượng còn thiếu và không ổn định. Tôm bố mẹ chủ yếu dựa vào NK dẫn tới chất lượng khó kiểm soát và giá thành sản xuất tôm cao trong khi không chủ động được nguồn tôm giống. Sản xuất tôm giống tại đồng bằng sông Cửu Long còn rất hạn chế. Nhiều cơ sở sản xuất giống không đảm bảo an toàn sinh học.
Về thức ăn, thuốc và chế phẩm sinh học, thực tế ở Việt Nam đang lưu hành rất nhiều chủng loại. Theo Ts. Như Văn Cẩn - Vụ trưởng Vụ nuôi trồng thủy sản, hiện nước ta có 2.800 loại thức ăn, 3.800 loại thức ăn bổ sung và 2.800 chất xử lý môi trường. Công tác quản lý chất lượng gặp nhiều khó khăn và không thể kiểm soát tận gốc các cơ sở sản xuất này. Từ đó, mỗi năm DN phải mất nhiều chi phí để kiểm kháng sinh. Theo ông Võ Văn Phục - Giám đốc công ty VINACLEANFOOD, với 7.000 tấn sản phẩm sản xuất ra, công ty phải mất 700 nghìn USD để kiểm kháng sinh trong khi Thái Lan chi phí kiểm tra kháng sinh chưa đến 1/3 của Việt Nam. Cộng với chi phí lấy mẫu kiểm tra ở các thị trường NK, thì chi phí của DN bị đội lên nhiều.
Do vậy, để quản lý tốt ngay từ khâu đầu vào, tất cả các đại biểu trong nhóm thảo luận đều đồng thuận quan điểm Việt Nam cần phải có một bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn thống nhất cho quản lý chất lượng giống, thức ăn, thuốc và các yếu tố đầu vào.
Về vấn đề này, bà Phan Thị Thu Oanh, PGĐ Sở NNPTNT Bạc Liêu kiến nghị, nên có khu quy hoạch sản xuất giống tập trung tại vùng nuôi ở đồng bằng sông Cửu Long, nhà nước đầu tư hạ tầng và kêu gọi DN đầu tư thêm. Có sự liên kết giữa viện nghiên cứu và DN để ứng dụng những nghiên cứu. DN nên chủ động trong việc sản xuất giống, từ khâu đầu tư cơ sở hạ tầng đến chất lượng con giống cung cấp ra thị trường.
Thức ăn nuôi tôm chiếm phần lớn trong giá thành nhưng chủ yếu công ty nước ngoài sản xuất. Qua nhiều đại lý mới đến tay người nuôi nên giá cao. Người dân phải liên kết với nhau, cơ quan nhà nước phải có giải pháp và chính sách gắn kết chặt chẽ.
Đại diện DN sản xuất thức ăn nuôi tôm C.P. Vietnam Corp, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Vĩnh Phú cho biết, để hạ giá thành sản phẩm, người nuôi cần phải áp dụng mô hình nuôi tôm 3 sạch (giống tôm sạch, nước sạch và đáy ao sạch). Hiện mới chỉ có 0,2% (tương đương 200 hộ nuôi) ở Việt Nam triển khai được mô hình này. Phấn đấu đến 2017, có 4% số hộ nuôi ở Việt Nam thực hiện mô hình này. Hiện tỷ lệ nuôi tôm theo mô hình này ở Thái Lan đã lên tới 20% nên sản lượng tôm nước này có thể tăng 30% trong năm nay.
Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN & PTNT tỉnh Kiên Giang có ý kiến nên tích hợp những tiêu chuẩn, quy chuẩn để người dân dễ thực hiện và nhà nước dễ quản lý, loại bớt đơn vị nhỏ lẻ và giải quyết sinh kế cho họ. Cơ quan quản lý tăng cường hậu kiểm và có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm như công bố trên phương tiện thông tin đại chúng, rút giấy phép hoạt động.
Có quản lý tốt được ngay từ khâu đầu vào thì giá thành sản xuất tôm mới giảm và vị thế cạnh tranh của tôm Việt Nam mới có thể tăng.
Trong phiên họp thứ hai với bài phát biểu đề dẫn của ông Võ Văn Phục về cách thức tổ chức sản xuất liên kết ngành tôm. Ông Phục kiến nghị, cần có chế tài đối với một số thương lái Trung Quốc cạnh tranh không lành mạnh. Họ thường gây đảo lộn thị trường vào những thời điểm khan hiếm nguyên liệu, tác động không tốt tới người nuôi và nhà máy chế biến. Bên cạnh đó, nên có biện pháp phát huy thế mạnh của Việt Nam về tôm sú quảng canh và tôm rừng mà các nước khác không thể có.
Về vấn đề này, ông Lê Văn Quang, TGĐ Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy hải sản Minh Phú (Minh Phu Seafood Corp) cũng có ý kiến, mặc dù giá đắt hơn nhưng tôm sú vẫn có chỗ đứng trên thị trường. Người tiêu dùng ưa chuộng loại tôm này vì thịt ngọt, chắc, cảm quan hấp dẫn. Hiện cơ cấu sản phẩm của Minh Phú gồm 40% tôm sú và 60% tôm chân trắng. Minh Phu Seafood Corp đang có chiến lược nâng tỷ lệ tôm sú lên 70% và tôm chân trắng 30%.
Phiên 3 với bài phát biểu đề dẫn của Ts. Như Văn Cẩn bàn về định hướng chính sách và hoạt động quản lý nhà nước đối với chuỗi cung ứng tôm.
Về các giải pháp, theo Ts. Cẩn, con tôm có nhiều tiềm năng dư địa phát triển nên cần được ưu tiên đầu tư. Các giải pháp quản lý và cơ chế chính sách của nhà nước cho phát triển ngành tôm bao gồm: quy hoạch vùng nuôi tập trung, cải thiện hạ tầng thủy lợi, đầu tư nghiên cứu KHCN, quan trắc môi trường, kiểm soát dịch bệnh; Hoàn thiện các văn bản qui phạm pháp luật, các quy định, tiêu chuẩn-quy chuẩn để kiểm soát điều kiện nuôi, vật tư đầu vào, chất lượng và an toàn thực phẩm; Tổ chức lại sản xuất theo hình thức hợp tác và liên kết theo chuỗi giá trị: dồn điền đổi thửa, xây dựng các mô hình liên kết nhằm giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh; Các chính sách khuyến khích và hỗ trợ: thu hút đầu tư của DN, hỗ trợ các hộ quy mô nhỏ (thuế, tín dụng, ưu đãi đầu tư, bảo hiểm…); Xem xét thành lập Hiệp hội tôm Việt Nam nếu thấy thực sự cần thiết để đây có thể là diễn đàn, cầu nối trong chuỗi cung ứng tôm để tập hợp sức mạnh của toàn chuỗi.
Phiên cuối cùng của hội nghị vẫn hết sức sôi nổi với báo cáo đề dẫn của Tổng Thư ký VASEP, ông Trương Đình Hòe về chế biến và XK tôm. Ông Hòe đã nêu những hạn chế và đưa ra những đề xuất để nâng cao hiệu quả chế biến XK tôm như: kiểm soát tốt ATTP, đặc biệt là kháng sinh tại khâu nuôi; tận dụng nguồn nguyên liệu trong nước để hưởng ưu đãi thuế quan theo quy tắc xuất xứ của các FTA; kiến nghị Chính phủ hỗ trợ các DN qua các chương trình nâng cao nhận thức về ưu đãi thuế quan đi kèm với quy tắc xuất xứ; thúc đẩy quảng bá thị trường theo tiếp cận liên kết chuỗi, hợp tác công tư (PPP). Bên cạnh đó, ông cũng kiến nghị với Chính phủ đầu tư một cảng biển xứng tầm và hiện đại tại khu vực ĐBSCL để đáp ứng, thúc đẩy sản xuất, XK toàn vùng, giảm chi phí và nâng cao sức cạnh tranh của DN; rà soát, cân đối và điều chỉnh giảm các trạm thu phí và mức phí cầu-đường bộ ngay trong 2016.
Phiên 3 và 4, các đại biểu tập trung thảo luận về các giải pháp trước mắt và dài hạn trong công tác quản lý của nhà nước với ngành nuôi tôm.
Trên tất cả, để phát triển bền vững ngành nuôi tôm, người nuôi nên đảm bảo các yếu tố về môi trường đặc biệt trước thực trạng biến đổi khí hậu đang ngày một phổ biến hiện nay ở các tỉnh ven biển, ông Benjamin Hodick, cố vấn cao cấp của GIZ/ICMP cho biết.
Tổng kết hội nghị, Ts. Phạm Anh Tuấn xác định nhiệm vụ trước mắt của cơ quan nhà nước là phải rà soát, điều chỉnh quy chuẩn, tiêu chuẩn giống, thức ăn, hóa chất kháng sinh. Có kế hoạch phát triển cả tôm sú lẫn tôm chân trắng, có quy trình hướng dẫn nuôi phù hợp, có tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp. Tăng cường hậu kiểm với chế tài cụ thể, phân rõ trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát.
Về tổ chức sản xuất, hình thành chuỗi liên kết và phải có người đi tiên phong, hài hòa lợi ích giữa các bên. Về xúc tiến thương mại phải thay đổi cách thức tổ chức truyền thống, DN cần chủ động hơn trong hoạt động này.
Trong thời gian tới, cơ quan nhà nước cam kết đồng hành với DN, người nuôi và nhân rộng các mô hình hiệu quả. Cơ quan nhà nước mong các bên liên quan tiếp tục thảo luận để có những bước đi cụ thể trước mắt và dài hạn để hướng tới mục tiêu cuối cùng là nâng cao lợi thế cạnh tranh của con tôm Việt.