TIN THỦY SẢN

Nâng cao năng lực mạng lưới các Khu bảo tồn biển, Vườn Quốc gia và Chi cục Thủy sản

Ông Nguyễn Chu Hồi, Phó chủ tịch thường trực Hội Thủy sản Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Ái Trinh Ái Trinh

Bình Thuận, từ ngày 15 - 17 tháng 5 năm 2024 – Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) phối hợp cùng Hội Thuỷ sản Việt Nam, Cục Thủy sản và Cục Kiểm Ngư, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF-Việt Nam), Trung tâm Hỗ trợ Phát triển xanh Greenhub tổ chức “Họp tham vấn - Tập huấn tích hợp nâng cao năng lực cho Mạng lưới Khu bảo tồn biển (KBTB)/Vườn quốc gia (VQG) và Chi cục Thuỷ sản Việt Nam" tại Mũi Né, Bình Thuận. 

Đến tham dự đại diện 16 KBTB/VQG và chi cục Thủy sản của 28 tỉnh thành ven biển trên cả nước.

Mục đích của chuỗi hoạt động này là nâng cao năng lực mạng lưới KBTB/VQG và Chi cục Thủy sản khắp cả nước góp phần giải quyết một số vấn đề liên quan đến môi trường biển, đa dạng sinh học và quản lý hiệu quả KBTB, và tập trung vào một số nội dung chính:Tổng kết 5 năm chương trình giám sát rác thải nhựa bãi biển và rạn san hô; Họp mạng lưới các KBTB và cập nhật những quy định, quy chế mới hỗ trợ quản lý hiệu quả các KBTB; Tài chính bền vững cho các KBTB/VQG có hợp phần biển; Hiện trạng đánh bắt không chủ ý và hướng dẫn thu thập dữ liệu nhằm giám sát hoạt động đánh bắt không chủ ý; Tập huấn về hoạt động cứu hộ rùa biển và động vật biển khi bị đánh bắt không chủ ý. 

Năm 2015, Liên Hợp Quốc thông qua Chương trình Nghị sự về Phát triển Bền vững đến năm 2030 bao gồm 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững. Trong đó, mục tiêu số 14 tập trung vào bảo tồn, sử dụng bền vững các đại dương, biển và các nguồn tài nguyên biển cho phát triển bền vững. 

Nghị quyết 36/NQ-TW năm 2018 của Ban chấp hành Trung Ương Đảng về Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, đã chỉ ra ô nhiễm môi trường biển ở nhiều nơi đang diễn ra nghiêm trọng; ô nhiễm rác thải nhựa đã trở thành vấn đề cấp bách; các hệ sinh thái biển, đa dạng sinh học biển bị suy giảm; tài nguyên biển bị khai thác quá mức. Một số mục tiêu cụ thể của Nghị Quyết tập trung vào “...quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo; tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia; phục hồi diện tích rừng ngập mặn ven biển tối thiểu bằng mức năm 2000; ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương…”. 

Trên cơ sở đó, trong những năm qua, Việt Nam đã ban hành một số quy định, chính sách thực hiện cam kết của chính phủ đối với các Mục tiêu Phát triển Bền vững và Nghị Quyết 36 của Đảng nhằm giải quyết vấn đề nói trên như Quyết định 1746/QĐ-CP “Kế hoạch Hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030” do Thủ tướng Chính phủ ban hành vào tháng 12/2019. Theo đó, đến năm 2025, 80% các KBTB không còn rác thải nhựa và đến năm 2030, 100% các KBTB không còn rác thải nhựa. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã xác định đến năm 2025, 100% các KBTB xây dựng kế hoạch giám sát và tổ chức thu gom, phân loại rác thải nhựa. 80% cán bộ quản lý KBTB được tập huấn, tuyên truyền về quản lý và hành động giảm thiểu rác thải nhựa được nêu rõ trong Kế hoạch quản lý rác thải nhựa đại dương giai đoạn 2021-2030 tại Quyết định 687 ngày 5 tháng 2 năm 2021. 

Bà Bùi Thị Thu Hiền , chuyên gia IUCN báo cáo tóm tắt 5 năm giám sát rác thải nhựa bãi biển và rạn san hô, đánh giá xu thế ô nhiễm nhựa ở các KBTB/VQG. Ảnh: Ái Trinh

Nghị định 26/NĐ-CP năm 2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật thủy sản bao gồm Mục IV về Quỹ bảo vệ và Phát triển Nguồn lợi Thủy sản ghi rõ chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, cơ chế hoạt động, quản lý hoạt động tài chính của Quỹ. Qua đó, Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản được hi vọng sẽ góp phần hỗ trợ các đơn vị bảo tồn biển huy động các nguồn lực xã hội nhằm duy trì ổn định hoạt động bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản tại địa phương.  

Đánh bắt không chủ ý các loài thú biển như rùa biển, cá mập/cá nhám và cá đuối,.. tại Việt Nam cũng là một vấn đề phức tạp, dẫn đến việc khai thác quá mức, ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình tái tạo và các hoạt động kinh tế dựa trên nguồn lợi thuỷ sản tại các địa phương. Tuy nhiên, vấn đề này chưa nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng ngư dân và giới khoa học trong nước. Nghề cá của Việt Nam chủ yếu có quy mô nhỏ, đa ngư cụ và đa loài, không có sự phân biệt rõ ràng về loài “đánh bắt chính” và “đánh bắt không chủ ý”. Tình trạng này còn phức tạp hơn do thiếu cơ chế quản lý dựa trên hạn ngạch, khiến việc phân loại các loài là mục tiêu hoặc không mục tiêu trở nên khó khăn.  

Những nỗ lực gần đây, ví dụ như phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn rùa biển và ban hành hướng dẫn quy trình cứu hộ các loài động vật biển, rùa biển, cho thấy sự chú ý ngày càng tăng đối với hoạt động bảo vệ, bảo tồn động vật biển nhằm duy trì đa dạng sinh học biển, giảm thiểu đánh bắt không chủ ý thú biển trong khai thác thủy sản, hướng tới phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm. 

Nhằm hỗ trợ thực hiện các quy định chính sách nhà nước, cam kết quốc tế để giải quyết các vấn đề và thách thức nói trên, sự đồng hành của mạng lưới các KBTB/VQG, Chi cục thủy sản và các bên liên quan là vô cùng cần thiết và đóng vai trò then chốt để đem lại những kết quả tích cực. Trong những năm qua, IUCN thường xuyên phối hợp cùng các đối tác đồng hành hỗ trợ mạng lưới các KBTB/VQG nâng cao năng lực góp phần vào các hoạt động  bảo tồn và đa dạng sinh học biển. Năm 2024, hoạt động này được tiếp tục duy trì với sự tham gia của mạng lưới KBTB/VQG và Chi cục Thủy sản khắp cả nước, tập trung vào các nội dung chính: cơ chế tài chính bền vững cho các KBTB/VQG có hợp phần biển; giảm thiểu đánh bắt không chủ ý trong hoạt động thủy sản; cứu hộ rùa biển/động vật biển; và giám sát rác thải nhựa bãi biển và rạn san hô. 

Đồng hành cùng với những nỗ lực này, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) thông qua dự án Sáng kiến Tài chính Đa dạng sinh học (BIOFIN) và các chương trình liên quan khác đang thúc đẩy việc áp dụng các cơ chế tài chính nhằm tăng cường nguồn tài chính bền vững cho công tác bảo tồn biển như phí tham quan, phí người dùng, cơ chế chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên (PES), phí bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo hiểm san hô, bù trừ tín chỉ carbon đại dương. Bên cạnh đó, trong nhiều năm qua, UNDP cũng đang triển khai Chương trình tài trợ các dự án nhỏ (SGP) do Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ với nhiều dự án cộng đồng trong đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo tồn rùa biển, bảo vệ hệ sinh thái san hô và giảm rác thải nhựa… 

Ái Trinh