TIN THỦY SẢN

Nắng nóng gây bất lợi tôm nuôi

Người dân Ngũ Điền thu hoạch tôm nuôi thời điểm nắng nóng Hoàng Thế

Kinh nghiệm cho thấy, nhiều vụ nuôi vào thời điểm thời tiết bất lợi thường bị thua lỗ.

Dọc tuyến đường quốc phòng từ xã Điền Hương đến xã Phong Hải (Phong Điền) vào thời điểm hiện nay một số ao hồ vừa thu hoạch xong được người dân  cải tạo, chuẩn bị thả nuôi vụ tiếp bất chấp thời tiết nắng nóng.

Anh Võ Khiêm ở xã Phong Hải cho biết, vụ nuôi năm nay gặp thời tiết nắng nóng kéo dài nên kết quả không như mong muốn, sản lượng chỉ đạt 3,5 tấn/ao nuôi rộng 3.500m2, chưa đầy một nửa so với các vụ nuôi trước.

Theo anh Khiêm, thời điểm được xem hợp lý cho nuôi tôm trên cát là từ tháng 8 đến tháng 11 và từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau. Thực tế mấy vụ nuôi gần đây đều đạt năng suất cao, nhiều hộ lãi ít 400-500 triệu đồng, hộ lãi cao đến 2 tỷ đồng.

Dù nuôi tôm vào mùa nắng nóng gặp nhiều bất lợi nhưng một số hộ dân vẫn đeo bám vì cho rằng, đây là thời điểm ít người nuôi nên nếu “trúng” sẽ bán được giá. Thế nhưng qua vụ nuôi vừa thu hoạch cho thấy điều đó hoàn toàn ngược lại, nuôi trong thời điểm nắng nóng tôm chậm phát triển, thậm chí bị còi, năng suất đạt thấp và kéo theo giá tôm thấp. Anh Khiêm cho biết, tôm nuôi vụ vừa rồi phần lớn kích cỡ, trọng lượng trung bình từ 100-120 con/kg, giá chỉ 100 ngàn đồng/kg, trong khi đó, tôm nuôi vụ xuân, vụ đông cỡ tôm loại 40-70 con/kg chiếm phần lớn, giá từ 180-220 ngàn đồng/kg.


Kích cỡ tôm nhỏ nên giá thấp

Bà Trần Thị Bé, chủ đại lý thu mua tôm Bé Thọ ở Phong Hải (Phong Điền) giải thích: “Chúng tôi thu mua sản phẩm cũng phải tuân thủ nhu cầu và giá cả thị trường. Vì kích cỡ tôm quá nhỏ, khó tiêu thụ nên không thể mua giá cao. Không chỉ trên địa bàn tỉnh mà hầu hết các cơ sở thu mua tôm ở các tỉnh khác đều mua với giá trên dưới 100 ngàn đồng/kg (loại tôm kích cỡ 100-120 con/kg). Giá tôm thời điểm này thấp một phần do tại các tỉnh phía Bắc, Nam đang mùa thu hoạch tôm, sản lượng rất lớn nên sản phẩm trên địa bàn tỉnh khó tiêu thụ”.

Ông Võ Khang ở xã Phong Hải tiết lộ, nhiều hộ nuôi ở vùng cát Ngũ Điền trong thời điểm nắng nóng đều thất bại, chỉ vừa thả nuôi chừng 10-15 ngày tôm đã xảy ra dịch bệnh, chết hàng loạt. Từ tháng 5 đến tháng 7 là cao điểm thời tiết nắng nóng, song vẫn có một số hộ sau khi thu hoạch vụ tôm vừa rồi lại tiếp tục cải tạo ao hồ để thả nuôi, bất chấp sự khuyến cáo của ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương.

Ông Trần Gia Duy, Phó Chủ tịch UBND xã Điền Hương cho biết, ngay từ đầu năm, Phòng NN&PTNT huyện Phong Điền cũng như chính quyền địa phương đã khuyến cáo bà con không nên nuôi tôm trên cát vào mùa hè. Thời tiết nắng nóng nguồn nước trong ao bị nóng, độ PH cao… khiến tôm chậm phát triển, đề kháng kém có nguy cơ xảy ra dịch bệnh, chết. Tuy nhiên vẫn có một số hộ vì “gỡ gạc” thua lỗ đã nôn nóng, thả nuôi bất chấp thời tiết nắng nóng và khuyến cáo của cơ quan chức năng.

Chủ tịch UBND xã Phong Hải, ông Phan Khánh thông tin: “Chính quyền địa phương nhiều lần khuyến cáo, nhắc nhở nhưng một số hộ nuôi vẫn cố tình không chấp hành, nuôi liều vào thời điểm nắng nóng. Bài học đã cho thấy nhiều vụ nuôi vào thời điểm thời tiết bất lợi thường bị thua lỗ. Theo đó, vụ nuôi đầu năm và cuối năm được xác định thường “ăn chắc” nên chính quyền địa phương khuyến khích người dân thả nuôi”.

Ông Nguyễn Đăng Thành, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phong Điền thông tin, tính đến thời điểm này, trong tổng diện tích quy hoạch nuôi tôm trên cát toàn huyện 900ha đã có khoảng 400ha đưa vào sản xuất. Hàng chục hộ tại các xã từ Điền Hương đến Phong Hải đang thả nuôi liều trong mùa nắng nóng, còn phần lớn đều “phơi hồ” chờ thời tiết thuận lợi mới nuôi.

Hoàng Thế Báo TTH