TIN THỦY SẢN

Ngăn ngừa dịch bệnh ở các trang trại nuôi trồng thủy sản

Khử trùng nầm bệnh Hương Trà - FICen

Dịch bệnh là một trong những bài toán nan giải đối với tất cả các trang trại, các hộ nuôi trồng thủy sản trên toàn thế giới. Chúng không chỉ tác động đến sức khỏe và sản lượng các loài thủy sản được nuôi mà nghiêm trọng hơn, dịch bệnh còn gây ra một khoản thiệt hại lớn về kinh tế, không chỉ cho các hộ nuôi mà còn ảnh hưởng tới ngân sách chính phủ khi phải khống chế và ngăn chặn dịch bệnh.

Do vậy, kiểm soát được dịch bệnh sẽ giúp người nuôi trồng thủy sản có được lợi thế cạnh tranh rất lớn khi đảm bảo được sản lượng và mức độ an toàn trong các sản phẩm nông sản của mình. Nhờ những thay đổi đơn giản trong công tác quản lý, các trại nuôi có thể dễ dàng kiểm soát được sự bùng phát và lây lan dịch bệnh trên các ao nuôi của mình.

Ký sinh trùng, vi trùng, vi khuẩn gây ra các bệnh trên thủy sản, có thể lây lan từ ao này sang ao khác hoặc từ trại nuôi này sang trại nuôi khác qua trung gian (như các cá thể bị nhiễm bệnh, con người, động vật hoặc máy móc) hoặc qua hệ thống nước bị ô nhiễm. Để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, cần khống chế mọi sự tiếp xúc giữa nơi có bệnh với các nơi chưa bị bệnh. Cụ thể là cá ở ao bị bệnh không được thả ra môi trường bên ngoài; Người lao động phải khử trùng quần áo; Máy móc, thiết bị cần phải được làm sạch và khử trùng trước khi sử dụng. Đặc biệt, vệ sinh môi trường là yếu tố đặc biệt quan trọng trong việc phòng ngừa lây lan dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản.

Cá và các loài thủy sản nuôi trồng

Cá từ tự nhiên, từ trại nuôi khác hoặc cá đã ở môi trường bên ngoài có thể mang dịch bệnh. Do đó, cá trước khi được đưa vào trang trại mới nên được các chuyên gia kiểm tra kỹ càng. Nếu có thể, cá mới nên được cách ly với cá nuôi sẵn trong ao trong một khoảng thời gian để theo dõi, tránh lây lan dịch bệnh cho đàn cá nuôi trong ao. Khoảng thời gian cách ly sẽ kéo dài cho đến khi cá được kiểm tra chắc chắn rằng không bị mắc bất cứ một loại bệnh nào.

Nguồn nước

Nguồn nước an toàn nhất cho nuôi trồng thủy sản chính là nước bơm trực tiếp từ giếng vào trong ao nuôi. Nước đã qua xử lý từ các ao nuôi cá khác ít có khả năng gây ra những dịch bệnh mới, song lại tiềm tàng mầm bệnh xuất hiện ở các ao nuôi trước hoặc từ các dịch bệnh đã xảy ra do cá hoặc các loài vật chủ trung gian tồn tại trong nguồn nước được tái sử dụng. Nước sông là nguồn nước không phù hợp nhất cho nuôi trồng thủy sản bởi nó tiềm ẩn nhiều dịch bệnh lạ, chưa xuất hiện ở các ao nuôi thủy sản trước đó. Nếu buộc phải sử dụng nước sông, người nuôi nên xử lý nước thật kỹ, sau đó đưa nước vào ao ít nhất là 21 ngày trước khi tiến hành thả nuôi. Cách này sẽ giúp tiêu diệt các sinh vật mang mầm bệnh còn tồn tại trong nước (làm gián đoạn chu kỳ sống của vi khuẩn do không có sinh vật chủ (cá) sinh sống trong một khoảng thời gian).

Việc cách ly cá với nguồn nước trong ao nuôi trong một khoảng thời gian cũng sẽ giảm thiểu được các tác nhân gây dịch bệnh (do virus và vi khuẩn bị cách ly khỏi vật chủ thích hợp). Có thể sử dụng các thiết bị xử lý nước chuyên dụng như sử dụng ozone và khử trùng tia cực tím để xử lý nước sông trước khi nuôi thủy sản. Tuy nhiên, công nghệ này có giá thành cao và chỉ mang lại hiệu quả kinh tế khả thi khi áp dụng cho các mặt hàng có giá trị cao.

Vật nuôi xung quanh ao

Vật nuôi trong ao hoặc xung quanh ao có thể là tác nhân gây một số bệnh cho ao nuôi. Trong số những vật nuôi này, chim là loài có nguy cơ cao nhất. Phân chim có thể truyền vi khuẩn và virus vào các ao nuôi cá. Chúng cũng có thể là tác nhân trung gian đưa cá hoặc ký sinh trùng (sán hoặc ấu trùng) từ ao nuôi này sang ao nuôi khác. Để giảm thiểu tình trạng này, cần sử dụng các biện pháp kỹ thuật để chim không còn quay trở lại các ao nuôi nữa.

Ngư cụ và các thiết bị khác

Trên thực tế, ngư cụ, đặc biệt khi còn ẩm ướt hoặc dính bùn đất rất dễ dàng trở thành nguồn trung gian lây bệnh cho ao cá. Do vậy, phơi khô ngư cụ (như lưới) sau mỗi lần sử dụng là biện pháp rất hữu hiệu để tiêu diệt nhiều loài vi khuẩn, tránh lây lan dịch bệnh ra môi trường xung quanh. Thậm chí, các phương tiện chuyên chở cũng có thể dễ dàng được làm sạch nhờ vòi phun cao áp thông thường. Tốt hơn hết là nên sử dụng nước ấm và chất tẩy rửa để làm vệ sinh ngư cụ cũng như các trang thiết bị sử dụng trong nuôi trồng thủy sản, đặc biệt khi có tiếp xúc với cá hoặc các đối tượng bị nhiễm bệnh, sau đó làm khô trước khi tiếp tục sử dụng hoặc di chuyển tới vùng khác.

Một lưu ý quan trọng khác là một số loại chất tẩy rửa sẽ không phát huy hiệu quả tối đa nếu gặp bụi hoặc một số chất hữu cơ khác. Do vậy, cần cọ thật sạch thiết bị bằng bàn chải và chất tẩy rửa trước, sau đó rửa lại thật kỹ cho hết bụi bẩn và chất tẩy còn bám trên bề mặt thiết bị. Tiếp theo, ngâm thiết bị trong dung dịch khử trùng trong một khoảng thời gian nhất định, đủ để tiêu diệt các sinh vật gây bệnh còn bám vào thiết bị. Cuối cùng, rửa lại lần cuối và phơi hoặc sấy khô thiết bị. Ánh nắng mặt trời cũng có khả năng tiêu diệt các vi khuẩn còn sót lại.

Tóm lại, biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan trên các ao nuôi thủy sản là giữ gìn vệ sinh, rửa sạch thiết bị với nước ấm và xà phòng, sau đó phơi thật khô thiết bị trước khi sử dụng cho lần kế tiếp. Ngoài ra, có thể sử dụng thêm một vài chất khử trùng phổ rộng để làm sạch các thiết bị. Tuy nhiên, cần xem xét đến giá thành và tính an toàn khi sử dụng hóa chất và các phương pháp làm sạch cho thiết bị sử dụng trong nuôi trồng thủy sản bởi một số hóa chất có thể gây hại cho người sử dụng, các loài thủy sản cũng như tồn đọng dư lượng độc hại và khiến máy móc, thiết bị nhanh hỏng hơn. Do đó, việc tham khảo ý kiến các chuyên gia là rất cần thiết để xác định được biện pháp khử trùng hiệu quả nhất đối với ao nuôi trồng thủy sản.

Hương Trà - FICen theo thefishsite.com