Ngành tôm ĐBSCL: Còn nhiều “lỗ hổng” cần phải lấp
Để đưa con tôm tiến bước đạt 10 triệu USD vào năm 2025, Thủ tướng cho rằng, ngành tôm ĐBSCL còn nhiều lỗ hổng cần phải lấp.
Sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại “Hội nghị phát triển ngành tôm” được tổ chức tại Cà Mau trong năm ngoái, các địa phương vùng nguyên liệu tôm Bán đảo Cà Mau đã nhanh chóng lên kế hoạch tập trung phát triển để đưa con tôm tiến bước đạt 10 triệu USD vào năm 2025.
Qua gần một năm thực hiện, việc phát triển ngành tôm đã có bước tiến mới. Tuy nhiên, để đạt được kỳ vọng như lời Thủ tướng thì còn rất nhiều lỗ hổng cần phải lấp.
Bạc Liêu có diện tích nuôi nuôi tôm khoảng 127.000 ha, với khoảng 16.000 ha nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, còn lại là các hình thức nuôi tôm quảng canh và tôm – lúa. Với lợi thế này, Bạc Liêu xác định con tôm là sản phẩm chủ lực trong phát triển kinh tế địa phương.
Năm 2017, được xem là một năm thành công của con tôm tỉnh này, với tổng sản lượng tôm đạt hơn 129.000 tấn, vượt kế hoach đặt ra và tăng 5,6% so với năm 2016.
Đặc biệt, tháng 5/2017, Bạc Liêu đã được Thủ tướng chính phủ đồng ý cho thành lập “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu”. Đến nay, tỉnh này đã hoàn thành quy hoạch dự án này, với diện tích hơn 400 ha.
Hiện đã tiến hành giao cho Tập đoàn Việt- Úc khoảng 300 ha, còn lại hơn 100 ha vùng lõi khu công nghệ cao, tỉnh đã chấp thuận cho 6 doanh nghiệp hàng đầu về ngành tôm vào đầu tư.
Nỗ lực của Bạc Liêu đã thấy rõ, tuy nhiên, theo ý kiến nhiều chuyên gia, người dân địa phương, để đạt được thành quả lớn hơn cho con tôm trong thời gian tới, còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết.
Ông Võ Hồng Ngoãn (người mệnh danh vua tôm Bạc Liêu) cho biết: Khó khăn lớn nhất của người nuôi tôm hiện nay là dịch bệnh. Trong đó, vấn đề chất lượng tôm giống và thuốc thú y thủy sản phục vụ cho phòng chống dịch bệnh giữ tầm quan trọng hàng đầu nhưng vẫn còn bỏ ngỏ.
Nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu thủy sản đang gặp khó khăn do thiếu vốn
Còn tại Cà Mau, tình hình phát triển ngành tôm năm vừa qua cũng đã có bước tiến mới. Sản lượng tôm nuôi đạt 159.000 tấn, tăng gần 10 % so với năm 2016.
Đặc biệt, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh mới phát triển thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh này đang hứa hẹn tạo đột phá trong tương lai. Hiện mô hình này đã được nhân rộng ra hơn 400 ha, với năng suất bình quân trên 22 tấn/vụ/ha góp phần lớn sản lượng tôm chung của tỉnh.
Chính những kết quả khả thi trong phát triển nuôi tôm năm qua đã giúp địa phương này từng bước tháo gỡ khó khăn trong vấn đề thiếu tôm nhiên liệu cho xuất khẩu.
Hội chế biến Xuất nhập khẩu thủy sản Cà Mau (Casep) cho biết: Vào giai đoạn đầu năm 2017, hầu hết hơn 30 nhà máy chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh đều thiếu tôm nguyên liệu sản xuất. Tuy nhiên, đến giai đoạn chính vụ xuất khẩu trong quý 3 và quý 4, nguồn nguyên liệu cơ bản đã đáp ứng đủ, giúp kim ngạch xuất khẩu tôm của tỉnh cán mốc hơn 1 tỷ USD trong năm qua.
Tuy nhiên, hiện nay đa số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Cà Mau đang gặp khó khăn do nguồn vốn hạn chế. Ông Phan Thanh Sang, Trưởng Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu, Sở Công Thương Cà Mau cho biết, năm 2017, xuất khẩu tôm của tỉnh khả quan hơn, có nhiều tín hiệu tốt tại các thị trường như: Mỹ, Châu Âu, Hàn Quốc... Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm của Cà Mau đang gặp một khó khăn rất cơ bản là không đủ nguồn lực tài chính để đảm bảo ký kết các hợp đồng với các đối tác.
Trong vùng Bán đảo Cà Mau nói riêng và cả nước nói chung, Cà Mau được xem là tỉnh có lợi thế hàng đầu về phát triển ngành tôm, với diện tích hơn 270.000 ha. Trong năm qua, địa phương này cũng đã hoàn thành Đề án "Nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả và phát triển bền vững nghề nuôi tôm giai đoạn từ 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.
Cụ thể, địa phương này đặt mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu đưa sản lượng tôm đạt 280.000 tấn và đến năm 2030 đạt 415.000 tấn. Giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 3 tỷ USD vào năm 2030.
Tuy nhiên, theo phân tích của ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh, bên cạnh những thuận lợi cơ bản về điều kiện tự nhiên, để phát triển ngành tôm như kế hoạch vẫn còn nhiều thách thức. Trong đó, vấn đề nan giải nhất cho phát triển nuôi tôm chính là hệ thống thủy lợi chưa hoàn thiện.
Thủy lợi phục vụ cho nuôi tôm chưa đáp ứng yêu cầu thực tế
Theo ông Sử, bắt đầu từ khi địa phương thực hiện chuyển đổi nuôi tôm vào năm 2000, Cà Mau đã quy hoạch hệ thống thủy lợi thành 23 tiểu vùng. Đến nay, mới thực hiện đầu tư cho 7 tiểu vùng.
Trong đó, ông Sử cho hay, chỉ có 1 tiểu vùng cơ bản khép kín được nhưng thủy lợi nội đồng vẫn chưa đáp ứng được hết nhu cầu sản xuất của người dân. Kế hoạch vốn trung hạn đến năm 2020, tỉnh Cà Mau cũng chỉ có thể đầu tư hoàn thiện tương đối thêm 2 tiểu vùng khác. Trong khi, sự sống còn của nghề nuôi tôm chính là nguồn nước nhưng vì hệ thống thủy lợi chưa hoàn chỉnh nên tạo sự thách thức rất lớn.
Sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các tỉnh vùng Bán đảo Cà Mau đã nỗ lực để đưa ngành tôm phát triển. Tuy nhiên, để đưa con tôm tiến bước đạt giá trị 10 tỷ USD vào năm 2025 như kỳ vọng thì vẫn còn đó nhiều bài toán phải giải.
Các tỉnh vùng Bán đảo Cà Mau nói chung và các tỉnh thành có lợi thế phát triển nuôi tôm nước lợ nói riêng cần tập trung đồng thời nhiều giải pháp, nỗ lực hơn nữa mới có thể thành công.