Ngành tôm ngắc ngoải
Tôm chết triền miên, giá bán sản phẩm liên tục giảm... làm cho cả người nuôi tôm lẫn doanh nghiệp xuất khẩu điêu đứng
Hiện tại, giá tôm sú nguyên liệu tại ĐBSCL là 245.000 đồng/kg (loại 20 con/kg), 150.000 đồng/kg (loại 30 con/kg), tăng từ 40.000 - 60.000 đồng/kg so với hồi giữa năm nhưng phần lớn người nuôi không có tôm để bán.
Tôm chết khắp nơi
Ngành thủy sản tỉnh Cà Mau thống kê từ đầu năm đến nay, diện tích nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp của tỉnh này bị thiệt hại trên 1.500 ha, chiếm hơn 60%. Những hộ nuôi tôm quảng canh cũng bị thiệt hại nặng. Ở tỉnh Bạc Liêu đã có 10.051 ha tôm chết. Trong đó, diện tích tôm sú nuôi công nghiệp và bán công nghiệp thiệt hại 100% ở các huyện Giá Rai, Đông Hải, Hòa Bình và TP Bạc Liêu. Tỉnh Sóc Trăng cũng có 11.600 ha (chiếm 39% diện tích thả) tôm nuôi bị chết.
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã phải ký công bố dịch bệnh đầu vàng, đốm trắng trên tôm tại các xã Hòa Đông,Vĩnh Hiệp, Lai Hòa (thị xã Vĩnh Châu); Trung Bình, Liêu Tú (huyện Trần Đề) và Hòa Tú 2, Gia Hòa 2, Ngọc Tố (huyện Mỹ Xuyên). Hiện tượng trên gây thiếu hụt nguyên liệu cung cấp cho các doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản xuất khẩu.
Đầu vào, đầu ra đều khó
Không chỉ thiếu trầm trọng nguồn nguyên liệu, các DN chế biến thủy sản xuất khẩu còn gặp khó khăn do chi phí đầu vào tăng cao trong khi giá đầu ra không tăng. Theo tính toán của các DN, so với đầu năm 2011, hiện chi phí đầu vào tăng khoảng 30% trong khi giá sản phẩm thủy sản xuất sang các thị trường truyền thống đều giảm mạnh. Ngoài ra, việc điều chỉnh lãi suất ngân hàng diễn ra rất chậm khiến nhiều DN vẫn phải trả nợ vay với lãi suất cao. Bên cạnh đó, các chi phí đầu vào như giá điện, nhân công, bao bì, cước vận chuyển, thuế bảo vệ môi trường đối với bao bì nhựa PE, phí kiểm dịch thú y… đều tăng đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Theo VASEP, từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam vào các thị trường truyền thống như Nhật Bản, EU, Mỹ… tiếp tục giảm mạnh. Tổng kết 9 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu sang Mỹ chỉ đạt 333 triệu USD, giảm hơn 17% so với cùng kỳ năm 2011; thị trường truyền thống EU giảm gần 25%; ASEAN giảm 14,5%; Canada giảm hơn 13%, Nhật Bản giảm 9,2%…
DN chế biến thủy sản xuất khẩu ở ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung đang phải đối phó với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các đối thủ xuất khẩu thủy sản như Thái Lan, Indonesia và đặc biệt là Ấn Độ, khi chính phủ các nước này có các chính sách hỗ trợ nuôi tôm phục vụ chế biến xuất khẩu. Vì thế, nhiều DN chấp nhận bán sản phẩm với giá bằng hoặc thấp hơn giá thành nhưng vẫn không có khách hàng.
Một trong những vấn đề khó khăn lớn nữa của các DN chế biến thủy sản xuất khẩu là ngày 31-8 vừa qua, các nhà nhập khẩu Nhật Bản (thị trường lớn của các DN chế biến thủy sản xuất khẩu Việt Nam) thông báo sẽ kiểm tra 100% lô tôm nhập khẩu từ Việt Nam về chỉ tiêu Ethoxyquin - chất chống ôxy hóa trong thức ăn chăn nuôi. Ngay sau khi có thông tin này, các DN chế biến thủy sản xuất khẩu đã chủ động giảm lượng hàng xuất sang thị trường Nhật Bản để tránh gặp rủi ro. Nhân cơ hội này, các nước nhập khẩu khác đã ép giá sản phẩm thủy sản của Việt Nam.
Chấn chỉnh để tự cứu
Ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), nhận định: “Chuyện thiếu nguyên liệu và thị trường xuất khẩu bị thu hẹp là vấn đề muôn thuở của ngành tôm nhưng điều này chỉ diễn ra trong khoảng thời gian nhất định, nhất là hiện nay, do vừa mới kết thúc mùa tôm quảng canh cộng với tình trạng tôm nuôi công nghiệp và bán công nghiệp ở ĐBSCL bị thiệt hại kéo dài trên diện rộng. Trong khi đó, sức tiêu thụ trên thị trường thế giới ở thời điểm này hằng năm cũng có xu hướng giảm nhưng sẽ trở lại vào mùa Noel và Tết Dương lịch...”.
Tuy nhiên, theo ông Hải, điều quan trọng là các DN cần phải chấn chỉnh để tự cứu lấy mình. “Hiện do thiếu nguyên liệu đầu vào nên các DN trong nước đã nâng giá mua để cạnh tranh với nhau. Vô hình trung, DN tự đặt mình vào tình thế mua giá cao nhưng bán giá thấp, dẫn đến lỗ lã. VASEP cũng có một phần trách nhiệm nhưng không thể thay đổi được tập quán kinh doanh của các DN. Bản thân DN phải ý thức được lợi hại để tránh việc cạnh tranh theo kiểu tự giết mình” - ông Hải nhấn mạnh.
Nên lập vùng tôm nguyên liệu
GS-TS Võ Tòng Xuân cho rằng nông dân thường nuôi trồng theo kiểu tự phát. Đáng lý ra, các công ty xuất khẩu thủy sản phải xây dựng vùng nuôi tôm nguyên liệu với sự hợp tác của nông dân, nhà khoa học cũng phải hướng dẫn người nuôi kiểm soát dịch bệnh và cả môi trường nuôi để giảm thất thoát, hao hụt. Khi nông dân giảm bớt được rủi ro về điều kiện nuôi thì các DN thu mua chế biến xuất khẩu cũng được lợi nhờ mua nguyên liệu giá thấp hơn nên làm tăng được tính cạnh tranh trên thị trường