Nuôi trồng thủy sản đối mặt 9 vấn đề
Số liệu của Cục Thủy sản, năm 2024, thủy sản ước đạt 9,2 triệu tấn, tăng 2% so với năm ngoái. Trong đó, nuôi trồng tăng 4% đạt 5,4 triệu tấn đã cao hơn hẳn khai thác chỉ 3,8 triệu tấn, cho thấy ngành đi đúng hướng tăng nuôi trồng, giảm khai thác. Tuy nhiên, nuôi trồng để phát triển bền vững cần ưu tiên giải quyết 9 vấn đề đang đối mặt.
Bảo vệ và phục hồi môi trường nuôi trồng
Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 đã có Đề án Bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản. Những mục tiêu cốt lõi là: kiểm soát chất thải, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường sống, nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và xây dựng các mô hình sản xuất xanh, kinh tế tuần hoàn.
Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chỉ ra việc thực hiện Đề án còn gặp nhiều thách thức, từ nguồn lực tài chính hạn chế đến nhận thức chưa đồng đều giữa các địa phương và sự phức tạp trong quản lý môi trường. Một số địa phương đã có những bước tiến đáng ghi nhận bên cạnh nhiều địa phương còn dừng lại ở kế hoạch mà chưa triển khai vào thực tế. Bảo vệ môi trường trong nuôi trồng, giải pháp chính là phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, quản lý chất lượng nước, xử lý chất thải, giảm thất thoát sau thu hoạch. Mục tiêu nhằm cải thiện hệ thống sản xuất theo hướng xanh, thân thiện với môi trường, nâng cao hiệu quả kinh tế. Các cơ quan quản lý đẩy mạnh giám sát và hỗ trợ doanh nghiệp, ngư dân.
Trong bảo vệ môi trường, cộng đồng ngư dân và doanh nghiệp đóng vai trò quyết định nên cần tập trung khuyến khích sự tham gia của họ. Cam kết của doanh nghiệp trong áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường, có sự hỗ trợ của các tổ chức, là yếu tố quan trọng để xây dựng ngành thủy sản bền vững.
Bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội để xây dựng hình ảnh và thương hiệu. Cục trưởng Trần Đình Luân nhấn mạnh: Ngành nông nghiệp đang chú trọng phục hồi dinh dưỡng đất và ngành thủy sản cũng phải nghĩ về phục hồi môi trường nuôi để phát triển bền vững, sản phẩm được thị trường đón nhận với giá ổn định.
Mục tiêu năm 2025 và 9 vấn đề cần ưu tiên
Năm 2024 mặc dù gặp nhiều cơn bão lớn tàn phá nhưng sản lượng nuôi trồng vẫn đạt 5,4 triệu tấn, tăng 4% so với năm 2023. Diện tích nuôi trồng gồm 1,3 triệu ha nuôi nội địa và 9,5 triệu m3 lồng nuôi biển. Mục tiêu năm 2025, diện tích nuôi ổn định như năm 2024 nhưng sản lượng tăng 5%; gồm cá tra 1,65 triệu tấn, tôm nước lợ 1,3 triệu tấn và các thủy sản khác.
Để đạt mục tiêu đặt ra, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản của Cục Thủy sản Ngô Thế Anh cho rằng, có 9 vấn đề lĩnh vực nuôi trồng đang đối mặt, cần ưu tiên giải quyết.
1. Chủ động, nhanh nhạy, bám sát thực tiễn để kịp thời có giải pháp thích hợp giảm thiệt hại do biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan đang ngày càng tăng.
2. Chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, khắc phục tình trạng yếu kém, thiếu đồng bộ đang hạn chế việc ứng dụng công nghệ, quy trình tiên tiến làm giảm hiệu quả kinh tế.
3. Kiểm soát chất lượng vật tư đầu vào, kiểm soát dịch bệnh đồng bộ, toàn diện và để nâng cao công tác này phải chú trọng năng lực quản lý của địa phương, đáp ứng được nhu cầu của nuôi trồng.
4. Định hướng công nghệ nuôi phù hợp trình độ kỹ thuật, quản lý để đạt hiệu quả cao.
5. Quan trắc môi trường khắc phục các hạn chế về tài chính, thiết bị và nhân lực để đáp ứng yêu cầu.
6. Cấp mã số và giấy xác nhận đối với nuôi tôm nước lợ, nuôi biển, nuôi lồng bè cần quan tâm hơn, đảm bảo nhanh, phục vụ tốt sự phát triền.
7. Đảm bảo vệ sinh toàn thực phẩm với các cam kết, thẩm định, chứng nhận và thực hiện việc sử dụng hóa chất kháng sinh đáp ứng yêu cầu; nhất là việc kiểm tra và thực hiện sau cam kết, sau chứng nhận.
8. Chất lượng sản phẩm đảm bảo sự đồng đều ở các nhà chế biến và xuất khẩu, để không làm ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
9. Công tác quản lý và thực thi pháp luật đối với loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm và cá nước lạnh cần khắc phục những hạn chế, khó khăn để đáp ứng yêu cầu phát triển. Công nghệ nuôi những đối tượng này cần quan tâm đổi mới.