TIN THỦY SẢN

Ngành tôm và mục tiêu 10 tỉ USD

Kim ngạch xuất khẩu tôm của VN trong năm 2016 đạt khoảng 3 tỉ USD, nhưng các doanh nghiệp cho rằng xuất khẩu tôm có thể đạt 10 tỉ USD trong thời gian tới nếu ngành tôm VN chuyển từ nuôi trồng tự phát sang hướng bài bản và khoa học hơn.

Tại hội nghị xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp vừa diễn ra ở TP.HCM, ông Nguyễn Hoàng Anh - chủ tịch Hiệp hội Tôm tỉnh Bình Thuận - cho rằng con số 3 tỉ USD xuất khẩu mỗi năm chưa phản ánh hết tiềm năng của ngành tôm VN, đồng thời khẳng định ngành tôm hoàn toàn có khả năng đạt kim ngạch 10 tỉ USD nếu được đầu tư bài bản.

Theo ông Anh, trong khi các sản phẩm chăn nuôi như heo, bò bị hạn chế bởi một số quốc gia hay tôn giáo, mặt hàng tôm được tiêu thụ trên toàn cầu với nhu cầu ngày càng tăng, chưa kể có thể chế biến thành nhiều chủng loại sản phẩm, sử dụng cho rất nhiều mục đích khác nhau.

Trong khi đó, VN có đầy đủ điều kiện để phát triển ngành nuôi tôm như bờ biển (dài trên 3.200km) với nhiều vùng nuôi tôm thích hợp, diện tích nuôi tôm hiện lên đến 1 triệu ha (cung cấp 40% sản lượng tôm sú toàn cầu), các nhà máy chế biến tôm của VN đã đạt chuẩn để xuất khẩu sang các thị trường khó tính nhất...

“Ngay cả tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu như nước biển dâng, xâm nhập mặn cũng là cơ hội cho ngành nuôi tôm phát triển. Nhà nước cần sớm có quy hoạch để mạnh dạn phát triển các vùng nuôi tôm ở khu vực bị nhiễm mặn và nước biển dâng, bởi thu nhập từ nuôi tôm cao hơn nhiều so với trồng lúa” - ông Anh nói.

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, muốn biến tiềm năng thành hiện thực, ngành tôm VN cần phải có nhiều thay đổi nhằm nâng cao sức cạnh tranh so với các đối thủ trong khu vực.

Theo ông Lê Văn Quang - chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn thủy sản Minh Phú, nếu không sớm giải quyết những khó khăn cơ bản, con tôm VN sẽ gặp nhiều bất lợi trong thời gian tới.

Bởi dù có hàng triệu hecta nuôi tôm nhưng chưa có quy hoạch cụ thể, mà chủ yếu do người dân nuôi tự phát, quản lý chất lượng tôm giống tại các địa phương chưa chặt chẽ, tôm bố mẹ không rõ nguồn gốc xuất xứ, sản xuất kém chất lượng được bán tràn lan.

“Hệ thống thủy lợi được đầu tư rất kém, dịch bệnh tràn lan, tỉ lệ nuôi thành công chỉ đạt dưới 30% nên giá thành cao hơn các nước khác 20%” - ông Quang cho biết.

Do không có vùng nuôi tôm lớn được quy hoạch nên rất khó quản lý chất lượng, nông dân sử dụng nhiều chất kháng sinh trong nuôi tôm gây ra rất nhiều hệ lụy, con tôm VN bị nhiều quốc gia cảnh báo hoặc ngưng mua tôm từ VN bởi có tồn dư kháng sinh, chưa kể việc cho tạp chất vào tôm để ăn gian chất lượng vẫn diễn ra phổ biến.

Theo ông Quang, phải thay đổi cách tiếp cận từ “sạch bệnh” sang “kháng bệnh” đang được nhiều nước áp dụng, đó là nuôi tôm ở mật độ thấp nên ít bệnh, không phải dùng đến hóa chất và kháng sinh.

“Cách làm này có vốn đầu tư thấp, hệ số sử dụng đất cao, đem lại hiệu quả kinh tế cho cả người nuôi và xuất khẩu” - ông Quang khẳng định.

Theo Tuổi Trẻ